Phường sẽ tiếp tục tổ chức hòa giải, nếu không thành sẽ hướng dẫn người dân kiện ra tòa để đòi quyền lợi.
Một số hộ dân sống tại hẻm 58 Tôn Thất Thuyết (phường 18, quận 4, TP.HCM) vô cùng hoang mang và cho rằng tường nhà của mình có thể đổ xuống bất cứ lúc nào vì vết nứt trên tường ngày một to ra do bị ảnh hưởng từ công trình xây dựng kế bên.
Ở mà phập phồng lo tường đổ
Theo phản ánh của các hộ dân tại hẻm 58 Tôn Thất Thuyết thì công trình xây dựng nhà ở tại địa chỉ B46/6 Tôn Thất Thuyết bắt đầu xây dựng từ khoảng tháng 7-2019. Đến đầu tháng 11, nhà của họ xuất hiện nhiều vết nứt trên tường, vết nứt ngày càng to ra.
Người dân đã phản ánh lên phường yêu cầu đơn vị thi công (ĐVTC) và chủ nhà ngưng thi công cho đến khi khắc phục vết nứt tường từ các hộ dân bị ảnh hưởng. Thế nhưng sau buổi tiếp xúc giữa các hộ dân, đại diện ĐVTC và phường thì công trình vẫn tiếp tục được xây.
Ông Nguyễn Thanh Vũ, nhà 58/24/18 Tôn Thất Thuyết, trình bày: “Nhà tôi xây dựng gần 10 năm nay chưa xuất hiện vết nứt nhưng từ khi công trình B46/6 Tôn Thất Thuyết xây, tường nhà tôi như bị xé đôi, ngồi ở trong nhà mà nắng có thể chiếu qua vết nứt được”.
“Từ sau ngày công trình xây dựng, những vết nứt trong nhà tôi ngày càng to. Giờ nhà tắm nó sắp sập xuống, tắm cũng không dám ngồi lâu. Bếp ăn thì nặng hơn, tường gần như nứt đôi, chúng tôi sợ quá nên dời lên phòng khách để nấu ăn. Tôi sợ quá nên chạy qua bên công trình yêu cầu sửa lại mà họ chỉ mang bao xi măng trám sơ, được một ngày vết nứt lại như cũ mà thậm chí còn to ra. Nhà toàn người già, nửa đêm mà tường sập xuống, chúng tôi chỉ biết ngồi nhà chờ chết chứ sao chạy kịp” - bà Phạm Thị Hóa, nhà số B46/8 Tôn Thất Thuyết, lo lắng.
Ông Nguyễn Văn Phụng, nhà số 58/24/20 Tôn Thất Thuyết, bức xúc: “Những vết nứt nhà tôi ngày càng rộng, bồn cầu thì bị sụp xuống, gạch trên tường bị rớt ra từng mảnh”…
Các hộ dân cho biết họ đã cầu cứu phường. Phường có buổi tiếp xúc và yêu cầu ĐVTC ngưng để chờ giải quyết. Thế nhưng từ tháng 11 đến nay công trình vẫn được xây dựng bình thường và đến nay gần như hoàn thiện.
Các hộ dân xung quanh công trình xây dựng đang lo lắng khi nhà bị nứt. Ảnh: N.Hiền
Công trình vẫn làm, phường tiếp tục hòa giải
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch phường 18, quận 4, cho biết khi công trình tại số nhà B46/6 Tôn Thất Thuyết bắt đầu xây dựng, phường vẫn chưa nghe người dân phản ánh. Đến ngày 20-11, phường nhận được đơn của bốn hộ dân xung quanh. Sau đó phường mời các bên đến làm việc và yêu cầu công trình tạm ngưng thi công để giải quyết.
“Sau đó người dân báo rằng chủ nhà vẫn tiếp tục làm, chúng tôi xuống kiểm tra thì họ ngưng hoặc chỉ có một số công nhân đến dọn dẹp. Tuy vậy, phường vẫn yêu cầu họ ngưng không làm nữa. Vừa rồi phường tiếp tục mời các bên lên hòa giải nhưng cả ĐVTC và chủ nhà đều không đến. Sắp tới phường tiếp tục mời lên làm việc lần nữa, nếu hòa giải không thành sẽ hướng dẫn người dân kiện ra tòa” - vị phó chủ tịch phường nói.
Trao đổi với PV qua điện thoại, ông Nguyễn Văn Bình, người trông coi công trình, cho biết căn nhà này là của con ông và hiện con ông đang đi công tác. Những vấn đề liên quan đến công trình đều do ĐVTC xử lý,bởi con ông đã ký hợp đồng với đơn vị này theo dạng chìa khóa trao tay, tức chủ đầu tư đưa tiền thi công và mọi việc phát sinh trong quá trình xây dựng thì do ĐVTC giải quyết.
Tiếp xúc với chúng tôi, ông Bùi Văn Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn thiết kế và xây dựng BHV - ĐVTC công trình, cho biết: “Công trình của chúng tôi xây dựng đúng quy định, không sai quy trình và không ảnh hưởng đến các nhà bên cạnh. Nếu yêu cầu chúng tôi bồi thường thì hãy chứng minh và phải có một đơn vị thẩm định, lúc đó chúng tôi sẽ thực hiện. Chúng tôi đã làm việc với tinh thần thiện chí và muốn giữ tình làng nghĩa xóm cho chủ nhà nên trước đây đã hỗ trợ, khắc phục cho một số hộ dân. Tuy nhiên, hỗ trợ, khắc phục không có nghĩa là chúng tôi làm sai. Sắp tới phường tiếp tục hòa giải, chúng tôi vẫn thực hiện với tinh thần hợp tác theo đúng quy định.
Riêng đối với việc phường yêu cầu chúng tôi tạm ngưng thi công thì khi nào phường có quyết định xử phạt hành chính của cơ quan có thẩm quyền thì chúng tôi mới tạm ngưng, chứ văn bản của phường yêu cầu ngưng không có giá trị để chúng tôi tạm ngưng”.
Cần xác định mức độ thiệt hại
Theo Điều 119 Luật Xây dựng, trong quá trình thi công xây dựng nếu phát hiện nguy cơ mất an toàn, nguy cơ xảy ra sự cố công trình ảnh hưởng đến an toàn tính mạng, công trình lân cận và cộng đồng thì chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng, chủ quản lý sử dụng công trình, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm kịp thời yêu cầu dừng thi công và thực hiện các biện pháp để bảo đảm an toàn cho người và tài sản.
Nếu có thiệt hại xảy ra thì việc bồi thường thiệt hại do chủ đầu tư và bên bị thiệt hại tự thỏa thuận.
Nếu chủ đầu tư và bên bị thiệt hại không tự thỏa thuận được về việc bồi thường thiệt hại và một bên có đơn yêu cầu gửi đến phường thì chủ tịch UBND phường có trách nhiệm tổ chức hòa giải. Nếu hòa giải không thành (không thỏa thuận được) thì chủ tịch UBND phường phối hợp với cơ quan chuyên môn để xác định mức bồi thường thiệt hại. Trường hợp một bên không thống nhất với mức bồi thường thiệt hại thì có quyền khởi kiện tại tòa án, yêu cầu tòa án trưng cầu giám định để xác định thiệt hại. Trên cơ sở đó, tòa sẽ quyết định mức bồi thường cụ thể để bên gây thiệt hại bồi thường.
Luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM
|
theo CafeLand