Một số người dân phản ảnh việc nhận đất tại khu tái định cư thuộc phường Tam Bình, quận Thủ Đức, TP.HCM dù đã xây nhà xong nhưng vẫn chưa có lưới điện, chưa có nước sạch, không có cáp truyền hình, Internet…
Chưa có hệ thống điện nên người dân kéo dây điện lòng thòng từ tủ điện lộ thiên trong khu tái định cư để sử dụng - Ảnh: Quang Định.
Ông Lưu K. cho biết gia đình ông bị di dời khi thực hiện dự án đường vành đai 2, quận Thủ Đức. Cha ông K. được bố trí nền đất tái định cư tại khu 2A đường số 3, dự án khu dân cư Tam Bình, P. Tam Bình.
Khi nhận đất và chuẩn bị xây dựng nhà vào tháng 7-2019, ông K. đã phát hiện dự án chưa có hệ thống điện, nước máy sinh hoạt đi qua các lô đất tái định cư. Lúc đó, ông đã gửi kiến nghị đến UBND quận Thủ Đức về việc này.
Xây nhà xong, chưa ở được
Vì thời hạn hẹn bàn giao nhà ở dự án đường vành đai 2 đã gần kề nên ông K. phải xin câu nhờ điện của dãy nhà đối diện và khoan nước ngầm để xây nhà trong khu tái định cư.
Đến nay, nhà xây đã gần xong, ông K. định dọn về nhà mới để kịp ăn tết nhưng vẫn chưa có điện lưới chính thức và chưa có nước sạch để dùng. Trong khi nước giếng ở đây rất nhiều phèn, chỉ dùng để xây dựng, không sinh hoạt được.
Ông K. cho biết đã nhiều lần liên hệ UBND quận Thủ Đức để gửi thư kiến nghị, phản ánh, xin gặp người có trách nhiệm nhưng chưa lần nào nhận được câu trả lời thỏa đáng và dứt khoát về thời điểm cấp điện, nước chính thức cho khu vực này.
Tương tự, nhà bà C. cũng vừa xây xong và phải sử dụng nước ngầm nhiễm phèn.
"Nhà tôi mới xây xong, chưa ở ngày nào mà gạch lát chỗ vòi nước bị phèn đóng ố vàng hết. Nước vậy sao dám dùng cho ăn uống, sinh hoạt. Mà chờ nước máy thì không biết đến bao giờ?" - bà C. bày tỏ.
Vì gia đình đang ở nhà trọ nên dù chưa có nước máy, điện câu tạm bợ nhưng bà C. vẫn dọn về nhà mới ở.
Cùng dãy nhà của ông K., bà C., nhiều căn nhà khác đang xây dựng cũng trong tình trạng tương tự. Khi nhiều người dân có nhu cầu xây nhà gửi đơn xin cấp điện thì Công ty Điện lực Thủ Đức bố trí một tủ điện tạm để các nhà đang xây dựng thuộc khu 2A đường số 3 sử dụng.
Tủ điện cắm trên một cọc tạm, dây điện kéo lòng thòng vào các công trình, vừa mất mỹ quan vừa không an toàn.
Không những thiếu nước, thiếu điện cho khu 2A, 2B, những khu vực khác của khu tái định cư này cũng còn thiếu nhiều hạng mục hạ tầng thiết yếu như cáp truyền hình, Internet và cả hệ thống đèn đường. Gia đình nào muốn đăng ký thì các công ty viễn thông phải kéo dây lộ thiên từ các khu dân cư lân cận gần nhất cũng khoảng 200m.
Anh P., hộ dân mới xây nhà ở đây, cho biết anh muốn đưa văn phòng công ty về nhà nhưng khu vực chưa có cáp Internet nên chưa biết tính sao.
Ai chịu trách nhiệm?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, UBND quận Thủ Đức khẳng định việc phản ảnh của người dân là đúng sự thật. Khu đất nền tái định cư trên do UBND quận nhận chuyển nhượng lại của chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH sản xuất thương mại Lan Phương để phục vụ tái định cư cho các dự án trọng điểm trên địa bàn quận.
Quy hoạch của khu 2A, 2B theo dự án ban đầu là chung cư cao tầng. Khi thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng dự án tuyến đường vành đai 2, nhiều người dân mong muốn được bố trí tái định cư bằng nền đất để thuận tiện việc buôn bán và kinh doanh sau khi di dời.
Vì vậy, UBND quận Thủ Đức đã xin ý kiến của UBND TP điều chỉnh quy hoạch hai khu đất này từ cao tầng thành đất nền để bố trí tái định cư cho dân.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, khu tái định cư 2A, 2B trên đã được cho phép điều chỉnh quy hoạch từ chung cư cao tầng thành nền đất từ năm 2017. Người dân cho biết ngay khi nhận nền đất tái định cư vào khoảng tháng 4-2019, người dân đã phản ảnh tình trạng không có điện, nước của khu vực này với UBND quận Thủ Đức nhiều lần đến nay.
Tháng 9-2019, Công ty Điện lực Thủ Đức cũng đã mời đại diện UBND quận Thủ Đức, UBND phường Tam Bình và Công ty Lan Phương để bàn về việc cấp điện cho người dân vì khu vực chưa có điện lưới đi qua.
Thời điểm này, Công ty Lan Phương cho rằng công ty này đã chuyển giao khu đất trên cho UBND quận Thủ Đức theo quy hoạch là khu chung cư cao tầng, nên công ty này không có trách nhiệm đầu tư hệ thống điện đến từng lô đất.
Còn đại diện UBND Q.Thủ Đức cho rằng quyết định điều chỉnh quy hoạch của UBND TP giao cho chủ đầu tư dự án là Công ty Lan Phương có trách nhiệm đầu tư hệ thống điện.
Đến tháng 10, Công ty Lan Phương mới có văn bản khẳng định công ty này đã bán và bàn giao nền đất cho UBND quận Thủ Đức và đã thanh lý hợp đồng. Bên cạnh đó, hạ tầng của dự án cũng đã được hoàn thiện và bàn giao cho Sở Giao thông vận tải.
Việc điều chỉnh quy hoạch phát sinh sau này thuộc trách nhiệm của bên mua.
Trong khi đó, phía Công ty Cấp nước Thủ Đức cho biết công ty đã có bản vẽ thiết kế để cấp nước cho lô 2A, 2B trên nhưng chưa được "lệnh" triển khai của Công ty Dịch vụ công ích quận Thủ Đức nên chưa thể thi công lắp đặt đường ống nước cho khu vực này. Nếu được "lệnh" triển khai thì công ty sẽ thi công trong vòng một tuần là xong.
Đại diện UBND quận Thủ Đức cho biết: "Vì lý do khách quan đòi hỏi phải có thời gian trình duyệt dự toán, thi công hạ tầng điện, nước bảo đảm theo đúng trình tự thủ tục đầu tư công. Trong gian chờ hoàn chỉnh hạ tầng theo thiết kế, UBND quận Thủ Đức chỉ đạo các phòng ban có liên quan cố gắng đấu nối nguồn điện, nước tạm cho người dân sử dụng trong vòng 30-45 ngày".
Thiếu hạ tầng, người dân chưa thể tái định cư
Theo quy hoạch, khu 2A và 2B có khoảng 60 nền, được bố trí tái định cư cho người dân bị di dời ở nhiều dự án tại Thủ Đức. Tuy nhiên, do hạ tầng không đầy đủ nên đến nay mới chỉ có 4, 5 hộ dân đến xây nhà, định cư.
Nhiều hộ dân khác dù đã nhận nền nhưng chưa đến ở vì điều kiện sinh hoạt tối thiểu chưa được đáp ứng.
|
theo CafeLand