Nhận hàng loạt thông tin tốt từ thông tin lên quận và các siêu dự án, nhưng thị trường bất động sản Đông Anh lại khá thờ ơ, không tạo sóng như giai đoạn 2010 - 2011 và 2014 - 2015 “ăn theo” hạ tầng cầu Nhật Tân, cầu Đông Trù.
Thị trường địa ốc Đông Anh lặng sóng trước tin tốt. Ảnh: Kim Đức
Sau Đồ án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với khu vực Bắc sông Hồng trở thành trung tâm hành chính thương mại giao dịch quốc tế, trục Nhật Tân - Nội Bài là động lực chính phát triển đô thị Bắc sông Hồng, hàng loạt dự án lớn đã tìm đến Đông Anh.
Có thể kể đến dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm quốc gia, siêu dự án Công viên Disneyland, dự án Công viên công nghệ phần mềm của Becamex ITC, dự án thành phố thông minh…
Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội vừa phê duyệt đề án đầu tư xây dựng 4 huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng thành quận đến năm 2025.
Những tưởng với những thông tin tích cực trên, thị trường bất động sản Đông Anh sẽ lại nổi sóng như giai đoạn 2010 - 2011 với thông tin xây cầu Nhật Tân, Đông Trù và 2014 - 2015 khi các công trình này, cùng trục đường 5, Nội Bài, nhà ga T2 Nội Bài đi vào hoạt động, khá bất ngờ khi thị trường địa ốc Đông Anh hiện nay khá dửng dưng với các thông tin tốt trên.
Theo đại diện UBND huyện Đông Anh, địa phương này đang có rất nhiều nhà đầu tư bất động sản lớn đăng ký xin đầu tư với những siêu dự án có quy mô hàng tỷ USD, nhưng nhiều năm nay, tiến độ triển khai các dự án rất chậm trễ.
Theo khảo sát của phóng viên, tại thị trường Đông Anh, dọc chân cầu Nhật Tân, các dự án đã vây kín, nhưng tất cả đều chưa triển khai. Cả huyện chỉ có một dự án bất động sản đã triển khai xong hạ tầng là dự án Happy Land (thị trấn Đông Anh) quy mô diện tích khiêm tốn 7 ha, với 346 lô liền kề. Dự án này đã được mở bán từ năm 2018, nhưng thanh khoản rất khó khăn.
Rất nhiều dự án lớn chưa thành hình hài
Dự án thành phố thông minh của Tập đoạn BRG mới đây đã động thổ, nhưng chỉ để lấy ngày, còn thời gian cụ thể triển khai vẫn chưa có. Một số siêu dự án khác cũng chưa có động tĩnh gì.
Tham khảo trên các trang web chuyên về rao vặt bất động sản, có nhiều thông tin và sàn phân phối quảng cáo bán đất nền một số dự án tại Đông Anh. Tuy nhiên, khi liên hệ với những người đăng tin để yêu cầu dẫn đi tham quan thực tế, thì đều cho biết, các dự án này chưa triển khai, nên không có sản phẩm để bán, rồi hướng đến giới thiệu một số lô đất đơn lẻ khác.
Lý giải về lý do thị trường bất động sản Đông Anh thờ ơ trước các tin tốt, ông Nguyễn Đình Thăng, trợ lý Giám đốc Công ty Bất động sản Lộc Phát cho biết, do người tiêu dùng đã rút ra nhiều bài học để đời từ các đợt sốt trước ăn theo hạ tầng cầu Nhật Tân, Đông Trù (2010 - 2011 và 2014 - 2015) và các khu vực khác như Mê Linh, Ba Vì, nên thận trọng hơn, không chạy theo các dự án lớn như trước. Ngoài ra, thị trường Đông Anh hiện nay cũng chưa có dự án nào chính thức được triển khai, trong khi đất để bán trong dân không còn nhiều, nên khó tạo ra cơn sốt. Tuy nhiên, ông Thăng hy vọng, thị trường địa ốc Đông Anh sẽ khởi sắc hơn sau Tết Nguyên đán.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, thông tin về việc khởi động siêu dự án thành phố thông minh tỷ USD chắc chắn sẽ có tác động tới thị trường bất động sản khu vực này. Tuy nhiên, việc dự án được triển khai như thế nào thì đó là câu chuyện của tương lai 10 - 20 năm nữa.
Do đó, khách hàng trước khi quyết định xuống tiền đầu tư cần hết sức cẩn trọng. Phải xem xét kỹ tính pháp lý, quy hoạch bất động sản mình dự định tham gia để tránh mua phải dự án “ma”. Đồng thời, phải xem xét tình hình thị trường, tìm hiểu xem giao dịch mua bán chủ yếu người tiêu dùng hay đầu cơ.
theo CafeLand