Kinh doanh sa sút, nhà đầu tư Trung Quốc buộc phải bán lỗ bất động sản ở Hồng Kông

Các nhà phân tích cho biết suy thoái kinh tế ở Trung Quốc và làn sóng lây lan Covid-19 thứ 3 ở Hồng Kông đã khiến một số người đại lục giảm danh mục sở hữu bất động sản ở đặc khu này.

Những người mua bất động sản đến từ Trung Quốc đại lục đang e ngại mua bán BĐS tại Hồng Kông do e ngại làn sóng Covid-19 tái diễn và triển vọng kinh tế mờ mịt. Photo: AFP

Một số chủ sở hữu bất động sản giá trị lớn ở Hồng Kông đến từ Trung Quốc đại lục gần đây buộc phải bán các căn hộ hạng sang của họ ở Hồng Kông với mức lỗ lớn. Những thiệt hại do kinh tế suy thoái tại quê nhà và làn sóng Covid-19 mới ở đây khiến họ phải đưa ra quyết định một cách nhanh chóng.

Theo các công ty bất động sản, chỉ trong nửa sau tháng 7 năm nay, đã có ít nhất 10 giao dịch, bao gồm 9 giao dịch bán nhà và 1 giao dịch chuyển nhượng bãi đỗ xe, phải chịu lỗ lớn lên tới 8,2 triệu đô la Hồng Kông (tương đương 1,06 triệu đô la Mỹ).

Ông Derek Chan, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Ricacorp Properties, cho biết: “Nền kinh tế ở cả Trung Quốc đại lục và Hong Kong đều gặp khó khăn trong thời kỳ đại dịch, khiến một số người mua ở đại lục phải bán tài sản của họ với giá thấp hơn và thua lỗ”.

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 3,2% trong quý 2 năm  nay, khiến Trung Quốc trở thành nền kinh tế thuộc nhóm lớn nhất thế giới, đã có phục hồi sau đợt bùng phát đầu tiên của Covid-19. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn đang phải chống chọi với tình trạng nhu cầu mua hàng từ nước ngoài giảm, hoặc tăng chậm chạp khi mà nhiều quốc gia khác vẫn đang vật lộn trong cuộc chiến chống chọi với đại dịch. Bên cạnh đó, ảnh hưởng từ mối quan hệ căng thẳng Mỹ-Trung cũng tác động rất lớn.

Làn sóng rút lui khỏi thị trường bất động sản Hồng Kông đã bắt đầu xuất hiện vào tháng 4, với dấu hiệu phổ biến là các nhà đầu tư đại lục chịu bán lỗ các bất động sản ở đây. Bên cạnh đó, họ cũng đã tạm dừng việc mua mới.

Ông Sammy Po, giám đốc điều hành bộ phận nhà ở của Midland Realty, cho biết việc giảm giá và thua lỗ của các chủ nhà Trung Quốc đại lục phản ánh tình hình thị trường chung ở Hồng Kông, vì người bán trên thị trường thứ cấp đang chịu áp lực giảm giá để bán nhanh.

Ông Po nói: “Chủ sở hữu bất động sản sẵn sàng bán tài sản của họ. Một số người còn chào bán các căn hộ mới với giá thấp hơn giá thị trường và họ đang thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi để thu hút người mua. Vì vậy, người bán nhà đã qua sử dụng cần phải cạnh tranh với các chủ đầu tư bán căn hộ mới”.

Vào đầu tháng 8, một căn song lập tại khu dân cư Positano ở Discovery Bay được bán với giá 21,5 triệu đô la Hồng Kông, thấp hơn 8,2 triệu đô la Hồng Kông so với giá ban đầu khi chủ sở hữu Trung Quốc đại lục mua nó cách đây 5 năm. Các đại lý còn cho biết, đáng lẽ chủ nhà còn chịu lỗ thêm 1,26 triệu đô la Hồng Kông nữa nếu bên phát triển nhà đất không thanh toán khoản thuế trước bạ cho chủ nhà.

Các bất động sản bị bán lỗ khác có thể kể đến căn hộ 3 phòng ngủ tại Mantin Heights ở Ho Man Tin, khu vực Kowloon lỗ 2,32 triệu đô la Hồng Kông và một căn hộ tại Kadoorie Lookout ở Ho Man Tin, lỗ khoảng 6 triệu đô la Hồng Kông.

Đầu tháng này, một căn hộ tầng ba tại khu vực Fleur Pavilia ở North Point đã được các bên thế chấp bán phát mãi với giá 21,6 triệu đô la Hồng Kông, chỉ bằng 3/4 so với giá chủ cũ người Trung Quốc đại lục mua là 28,61 triệu đô la Hồng Kông cách đây chưa đầy 3 năm.

Một trường hợp chủ nhà người đại lục khác đã bán căn hộ rộng 482 foot vuông (tương đương 45 m2)  tại khu vực ga tàu điện ngầm Olympic Harbour Green với giá 9,2 triệu đô la Hồng Kông, thấp hơn khoảng 8% so với căn hộ tương tự ở cùng khu vực.

Thị trường bất động sản của thành phố đã phân hóa rõ rệt, với bất động sản mới xây dựng có xu hướng tăng giá, trái ngược với thị trường nhà đã qua sử dụng trong theo đà giảm giá. Theo Midland Realty, tổng số lượng giao dịch bất động sản trong tháng 8 đạt mức thấp nhất trong 4 tháng qua với khoảng 6.000 căn.

Các nhà phân tích cho biết, số lượng căn hộ được chủ nhà người đại lục bán đi có khả năng tăng nếu đợt thứ ba của đại dịch ở Hồng Kông còn kéo dài và sự phục hồi kinh tế ở Đại lục mất dần đà tăng.

Ông Po cho biết “Tình hình sẽ chủ yếu phụ thuộc vào nền kinh tế ở đại lục - nếu nền kinh tế vẫn diễn biến tốt, mọi người sẽ không bán tài sản của họ ở Hồng Kông”. Ngoài ra, nhiều người đại lục đã mua bất động sản ở Hồng Kông để sử dụng trong các kỳ nghỉ dưỡng, vì vậy nếu lệnh hạn chế di chuyển giữa biên giới đại lục và Hồng Kông còn kéo dài thì sẽ ảnh hưởng đến khả năng chủ nhà từ đại lục không còn giữ các tài sản ở Hồng Kông nữa.

Trong một báo cáo vào tháng 7 của Savills cho biết, "Sự bùng phát virus tái diễn và tình hình chính trị bất ổn có thể thúc đẩy nhiều người mua bất động sản hạng sang xem xét việc tái phân bổ một số khoản đầu tư bất động sản của họ ở nước ngoài. Do đó, rất có thể lượng giao dịch bất động sản hạng sang có thể sẽ giảm sâu hơn nữa trong trong nửa cuối năm 2020 ".

theo CafeLand

  • Facebook
  • Chia sẻ

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: info@alomuabannhadat.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Đọc thêm

Có nên mua bán, chuyển nhượng bất động sản trả chậm, trả dần
Những quy định về đấu giá bất động sản mới nhất
Điều kiện thành lập đơn vị kinh doanh dịch vụ bất động sản
Các thuật ngữ liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bất động sản
Kinh nghiệm pháp lý liên quan đến hợp đồng thuê văn phòng
Pháp lý về quyền sở hữu và thực thi chuyển giao quyền sở hữu
Hợp đồng chuyển nhượng đất đai và quyền sử dụng đất đai
Thông tin quan trọng cần lưu ý về hợp đồng mua bán nhà đất
Những điều cần biết về hợp đồng thuê đất 2022
Lưu ý về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất