Làm thế nào để lấy lại 'không gian phòng khách' của đô thị Hà Nội?

Những hình ảnh Hà Nội trong ngày giãn cách xã hội đang khiến nhiều người băn khoăn rằng sự xuất hiện ngày càng nhiều của các "hộp ngủ" cao cấp đã và đang nhấn chìm không gian công cộng của Thủ đô.

Khu chung cư HH Linh Đàm. (Nguồn: TTXVN)

Hà Nội những ngày cách ly toàn xã hội đang khiến nhiều người dân Thủ đô giật mình bởi không gian thoáng đãng khắp nơi.

Không ít người tự hỏi, những đường phố thênh thang, những bờ hồ, vỉa hè rộng mát... có phải là không gian của một Hà Nội xưa cũ. Hình ảnh này đối nghịch với sự chật chội, ngột ngạt của Hà Nội hiện đại.

Phải chăng sự xuất hiện ngày càng nhiều của các "hộp ngủ" cao cấp đã và đang nhấn chìm không gian công cộng của Thủ đô?

Theo các chuyên gia quy hoạch, Hà Nội là thành phố được định hướng phát triển không gian công cộng. Thế nên, ngay cả vào thời kỳ kinh tế khó khăn nhất, thành phố vẫn dành ra một khoảng diện tích để làm sân chơi giữa các khu tập thể cũ.

Sách "Hà Nội: 10 thế kỷ đô thị hóa" cũng chỉ rõ các khu nhà xây dựng trong giai đoạn 1955-1985 luôn dành 50-60% diện tích cho cây xanh và sân chơi, sân chung, lối đi trong khu dân cư. Trong các công trình này, những khoảng sân, hành lang đủ dài, rộng và thông thoáng cho người dân sinh hoạt, vui chơi.

Vậy nhưng, sau khi được mở rộng từ năm 2008, diện mạo chung của Hà Nội đã có nhiều thay đổi. Thành phố hiện đại hơn nhưng không gian công cộng ngày càng thu hẹp, chịu nhiều sức ép từ các mục đích sử dụng khác như: bãi đỗ xe, hoạt động mưu sinh hoặc việc phát triển hạ tầng giao thông đô thị; trong đó, sức ép nặng nề nhất chính là phát triển ồ ạt các chung cư từ cao cấp đến bình dân. Chúng được ví như những "hộp ngủ" của người dân Thủ đô bởi sự khép kín.

Điều này có thể thấy rõ nhất ở một khu đô thị nổi tiếng của Hà Nội - Khu đô thị Linh Đàm. Đây là khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên của Hà Nội với những thiết kế bài bản, đáp ứng được không gian sống và không gian công cộng với đầy đủ hồ nước, cây xanh, khu vui chơi…

Nhưng điều đó chỉ duy trì được trong thời gian đầu. Giờ đây, Khu đô thị Linh Đàm đã bị "băm nát" giống như một "đại đô thị" với quá nhiều tòa nhà cao tầng, các khu kinh doanh buôn bán, nhà hàng, đồng nghĩa với không gian công cộng đã bị thu hẹp hết mức có thể.

Bà Nguyễn Thị Linh Anh, cư dân Khu đô thị Linh Đàm, cho biết mặc dù chủ đầu tư luôn quảng cáo về các tiện ích đi kèm như công viên, hồ nước, khu vui chơi công cộng rộng rãi dành cho trẻ em nhưng ở các khu vực này, khoảng sân dưới các tòa nhà vẫn bị chiếm dụng thành bãi gửi xe, chợ cóc, nơi kinh doanh hàng quán. Vì thế, không gian ngày càng ngột ngạt và khó chịu.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở hầu khắp các khu đô thị, khu chung cư trên địa bàn thành phố. Khi các không gian ngoài trời dần biến mất thì các đại siêu thị ngột ngạt lại đang trở thành không gian công cộng mới của người dân.

Không gian công cộng được ví như "phòng khách" của một đô thị. Chính vì thế, các không gian công cộng đóng vai trò tối quan trọng cho sự tương tác của con người với con người, con người với thiên nhiên; cho sự lưu giữ các ký ức chung và việc tạo dựng nên các biểu tượng gắn với một thành phố.

Trên thực tế, không gian công cộng của Hà Nội đang bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Nhiều khu đô thị mới mọc lên trong khi diện tích đất dành cho mục đích công cộng không được chú trọng.

Bên cạnh đó, không gian công cộng còn đang bị hiện tượng thương mại hóa, tư nhân hóa. Diện tích vỉa hè bị lấn chiếm bởi các hộ kinh doanh do sự phân biệt công-tư không rõ ràng, nhiều người vẫn quan niệm vỉa hè là của riêng. Trong khi đó, ở nhiều nơi, không gian công cộng phải nhường chỗ cho những bãi đỗ xe hay việc mở rộng hạ tầng giao thông.

Hà Nội đang phát triển chóng mặt với những tòa nhà cao tầng, khu chung cư, khu giải trí chất lượng cao… Ngược lại, tình trạng trẻ em không có sân chơi, người già không có nơi tập thể dục là vấn đề bức xúc của cộng đồng.

Nhiều phụ huynh chia sẻ họ mỏi mắt cũng chỉ thấy mấy địa điểm quen thuộc như Cung Thiếu nhi Hà Nội, Công viên Cầu Giấy, Công viên Thống Nhất, Công viên Nghĩa Đô…, nhưng ở những nơi này, dịch vụ đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí rất hạn chế.

Theo ghi nhận, sân chơi ở các khu tập thể cũ như Kim Liên, Trung Tự (quận Đống Đa), Thanh Xuân (quận Thanh Xuân), Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), Thành Công, Đội Cấn (quận Ba Đình)… phần lớn đều trong tình trạng xuống cấp. Không chỉ ở các khu tập thể cũ, điều này cũng xảy ra tại các khu đô thị mới như Trung Hòa-Nhân Chính, Nam Trung Yên, Xa La...

Theo các chuyên gia quy hoạch và văn hóa, không gian công cộng đóng một vai trò quan trọng trong đời sống. Khi những đứa bé chơi cùng nhau trong những không gian công cộng, một đời sống nội tâm mạnh mẽ sẽ được hình thành, tạo ra sự bền bỉ, dẻo dai của mối quan hệ. Người lớn xây dựng các mối quan hệ thân thiết còn trẻ em thì có ký ức đẹp về tuổi thơ và đó là nguồn năng lượng mạnh cho những đứa bé vượt lên cú sốc tâm lý trong quá trình trưởng thành.

Phân tích về mối liên hệ giữa không gian công cộng và vấn đề sức khỏe của người dân, một chuyên gia cao cấp của tổ chức Health-Bridge cho biết ngoài lợi ích thường thấy về môi trường, kinh tế thì không gian công cộng có lợi ích rất quan trọng về sức khỏe. Ở trẻ em, tình trạng béo phì rất nghiêm trọng, trong khi người già có thể mắc các bệnh về tim mạch.

Ngoài ra, các không gian công cộng đô thị là linh hồn, điểm đến quan trọng của thành phố.

Có thể nói, mong muốn có không gian công cộng đã trở thành khát khao của người dân Thủ đô. Để đáp ứng mong mỏi này, quy hoạch và quản lý quy hoạch cần phải có những điều chỉnh phù hợp, mà trước tiên, theo ông Trần Ngọc Hùng (Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam), cần phải hạn chế phát triển nhà cao tầng và chiều cao công trình, kiểm soát sự gia tăng dân số cơ học…

Thêm vào đó, đất từ các nhà máy, công trình, trụ sở bộ ngành di dời ra khỏi nội đô cần phải được sử dụng để làm các công trình công cộng, chứ không phải để xây chung cư hoặc trung tâm thương mại như hiện nay. Điều đó sẽ hạn chế được sự gia tăng dân số cơ học, đồng thời thêm không gian công cộng cho khu vực nội đô.

Ông Đỗ Viết Chiến - Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng cần rà soát lại quy hoạch khu vực nội đô lịch sử và khoanh vùng; cấm tuyệt đối xây dựng ở những khu vực cần bảo tồn như phố cổ, phố cũ, khu vực hồ Tây, hồ Gươm, thành cổ…; cần chỉ rõ những khu vực cho phép xây dựng nhà cao tầng và phải sử dụng hệ số sử dụng đất để khống chế.

Riêng đối với khu vực nội đô mở rộng, cần yêu cầu thực hiện theo quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị.

Chỉ khi các quy hoạch được đặt ra và thực hiện đúng theo phương châm chú trọng đến không gian sống, không gian công cộng thì mới hy vọng Thủ đô sẽ dần lấy lại được các "phòng khách đô thị" như nó vốn có.

theo CafeLand

  • Facebook
  • Chia sẻ

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: info@alomuabannhadat.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Đọc thêm

Có nên mua bán, chuyển nhượng bất động sản trả chậm, trả dần
Những quy định về đấu giá bất động sản mới nhất
Điều kiện thành lập đơn vị kinh doanh dịch vụ bất động sản
Các thuật ngữ liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bất động sản
Kinh nghiệm pháp lý liên quan đến hợp đồng thuê văn phòng
Pháp lý về quyền sở hữu và thực thi chuyển giao quyền sở hữu
Hợp đồng chuyển nhượng đất đai và quyền sử dụng đất đai
Thông tin quan trọng cần lưu ý về hợp đồng mua bán nhà đất
Những điều cần biết về hợp đồng thuê đất 2022
Lưu ý về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất