Lắp ghép trong 2 giờ là ra nhà không phép

"Họ làm móng trước rồi phủ cỏ với đất lên. Sau đó, họ làm 4 vách bằng tôn ở nơi khác và chở đến dựng lên hàn lại. Chỉ trong vòng 2 giờ là đã hình thành căn nhà không phép", Chủ tịch UBND phường Linh Trung, Thủ Đức (TPHCM) cho biết.

Phường Linh Đông cưỡng chế triệt để các công trình vi phạm xây dựng, đặt biệt là công trình không phép.

Chiều 19-12, quận Thủ Đức (TPHCM) tổ chức hội nghị sơ kết 3 tháng thực hiện Chỉ thị 23-CT/TU ngày 25-7-2019 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố.

Theo UBND quận Thủ Đức, từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị 23-CT/TU, số vụ vi phạm xây dựng trên địa bàn đã được kéo giảm so với trước.

Cụ thể, tính từ đầu tháng 8-2019 (sau khi Chỉ thị 23-CT/TU được ban hành) đến cuối tháng 11-2019, trên địa bàn quận có 75 công trình xây dựng không phép (0,63 vụ/ngày), giảm so với trước khi Chỉ thị 23-CT/TU được ban hành (0,7 vụ/ngày). Đặc biệt, tình trạng xây dựng sai phép giảm mạnh, trong đó có tháng giảm đến 114% so với tháng trước.

Đối với các trường hợp xây dựng không phép, chủ yếu (61/75 trường hợp) là xảy ra ở khu vực không phù hợp với quy hoạch (trong khu vực quy hoạch công viên cây xanh có 15 trường hợp, khu quy hoạch Đại học Quốc gia TPHCM có 5 trường hợp...).

Tuy vậy, sau khi triển khai Chỉ thị 23-CT/TU, tất các công trình vi phạm xây dựng đều được lập hồ sơ xử lý. Hầu hết các vi phạm đều được phát hiện, ngăn chặn ngay từ đầu.

Theo UBND quận Thủ Đức, thời gian qua, Quận ủy, UBND quận đã tập trung triển khai Chỉ thị 23-CT/TU, tổ chức họp giao ban định kỳ để kịp thời chỉ đạo và đôn đốc, nhắc nhở giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực xây dựng. Cùng đó, UBND quận tập trung chỉ đạo xử lý các trường hợp xây dựng không phép, sai phép, đã góp phần kéo giảm vi phạm xây dựng trên địa bàn.

UBND quận nhìn nhận, trong thời gian thực hiện Chỉ thị 23-CT/TU, dù số vụ vi phạm xây dựng chưa được kéo giảm như mong muốn nhưng quận kiên quyết xử lý các công trình vi phạm. Đến tháng 11-2019, UBND 12 phường của quận đã tổ chức cưỡng chế 111 công trình vi phạm, trong khi cả năm 2018 chỉ thực hiện 36 trường hợp.

Đối với các trường hợp chưa xử lý, quận Thủ Đức tổ chức thống kê, phân loại đối với từng trường hợp vi phạm xây dựng, từ đó đưa ra giải pháp xử lý dứt điểm. Theo đó, toàn quận hiện còn hơn 360 công trình vi phạm xây dựng còn tồn, trong đó có 8 trường hợp vi phạm quy mô lớn, biến tướng; 33 nhà xưởng, nhà kho; 60 trường hợp cho thuê nhà trọ, nhà cho thuê...

Đối với các công trình tồn này, UBND quận đã yêu cầu các đơn vị liên quan, nhất là UBND các phường xây dựng lộ trình cưỡng chế, xử lý dứt điểm và phấn đấu đến 6-2020 cơ bản xử lý xong.

UBND quận cũng yêu cầu chính quyền địa phương nâng cao trách nhiệm quản lý, đảm bảo 100% trường hợp vi phạm phải được phát hiện và xử lý ngay từ ban đầu, nhất là các khu vực trọng điểm về xây dựng, các công trình có quy mô lớn và xử lý triệt để các vụ việc phức tạp.

Cùng đó, UBND quận Thủ Đức kiến nghị UBND TP xem xét, hướng dẫn thực hiện biện pháp xử lý “nóng” đối với các trường hợp vi phạm về đất đai, xây dựng để có thể yêu cầu người vi phạm chấm dứt ngay hành vi vi phạm.

Phát biểu thảo luận tại hội nghị, Trần Quốc Hưng, Chủ tịch UBND phường Linh Trung, thông tin về một số hình thức đối phó, đặc biệt là đối phó xây nhà không phép.

“Họ làm móng trước rồi phủ cỏ với đất lên. Sau đó, họ làm 4 vách bằng tôn ở nơi khác và chở đến dựng lên hàn lại. Chỉ trong vòng 2 giờ là đã hình thành căn nhà không phép”, ông Trần Quốc Hưng dẫn chứng.

Như vậy, tính bằng giờ, công trình không phép đã hình thành, chứ không phải là ngày nữa. Vì vậy, việc tập trung kiểm tra, giám sát là đặc biệt quan trong. Cụ thể, phường huy động toàn bộ lực lượng chính trị của địa phương, nhất là lực lượng tổ dân phố, khu phố tham gia giám sát, đảm bảo 100% công trình vi phạm xây dựng đều bị phát hiện và xử lý.

Khi tổ chức cưỡng chế, UBND phường Linh Trung cho phá dỡ triệt để nền móng, nhà vệ sinh để không tạo điều kiện cho người vi phạm tiếp tục xây dựng không phép.

theo CafeLand

  • Facebook
  • Chia sẻ

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: info@alomuabannhadat.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Đọc thêm

Có nên mua bán, chuyển nhượng bất động sản trả chậm, trả dần
Những quy định về đấu giá bất động sản mới nhất
Điều kiện thành lập đơn vị kinh doanh dịch vụ bất động sản
Các thuật ngữ liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bất động sản
Kinh nghiệm pháp lý liên quan đến hợp đồng thuê văn phòng
Pháp lý về quyền sở hữu và thực thi chuyển giao quyền sở hữu
Hợp đồng chuyển nhượng đất đai và quyền sử dụng đất đai
Thông tin quan trọng cần lưu ý về hợp đồng mua bán nhà đất
Những điều cần biết về hợp đồng thuê đất 2022
Lưu ý về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất