Vài năm trở lại đây, tại khu vực chân cầu Chương Dương xuất hiện cơ sở kinh doanh bề thế quy mô hàng trăm mét vuông mọc ngay phía dưới chân đê sát mép sông Hồng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hành lang thoát lũ, đe dọa an toàn của tuyến đê… Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì cho đến nay chính quyền địa phương vẫn chưa xử lý dứt điểm.
Ngang nhiên xây dựng nhà hàng trên hàng lang thoát lũ sông Hồng
Qua tìm hiểu, được biết cơ sở kinh doanh này hoạt động với tên gọi “Làng Bia Quán Mộc” được xây dựng trên diện tích đất nằm dưới chân cầu Chương Dương, địa phận thuộc tổ 27, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội. Ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường cho thấy, khu vực nhà hàng “Làng bia Quán Mộc” được xây dựng kiên cố, bên trong nhà hàng được chia thành nhiều dãy khác nhau, trong đó một dãy nhà hai tầng với phần mái được lắp đặt biển quảng cáo với kích thước rất lớn.
Theo người dân nơi đây cho biết, mỗi khi bước vào mùa mưa lũ, nước sông Hồng dâng lên gây ra tình trạng sạt lở bờ sông. Thế những, không hiểu vì sao nhà hàng Làng Bia Quán Mộc vẫn có thể triển khai xây dựng tại vị trí đất chỉ cách mép nước sông Hồng vài mét.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phường Ngọc Lâm, quận Long Biên cho hay: Nếu như người dân bình thường khi xây dựng nhà cửa, quán xá mà lấn ra một chút là bị lực lượng chức năng đến kiểm tra, lập biên bản và xử lý ngay. Tuy vậy, nhà hàng được xây dựng hoàn toàn không có giấy phép vẫn ngang nhiên tồn tại và hoạt động kinh doanh rất nhộn nhịp.
Nhà hàng Làng Bia Quán Mộc vẫn có thể triển khai xây dựng tại vị trí đất chỉ cách mép nước sông Hồng vài mét
“Ở đây có thể thấy rõ việc xây dựng nhà hàng Làng Bia Quán Mộc tại đây có nguy cơ đe dọa rất lớn tới hành lang thoát lũ sông Hồng, an toàn của cầu Chương Dương, mọi người dân di chuyển qua cầu đều dễ dàng nhìn thấy. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này sau nhiều năm tồn tại, nhà hàng kể trên vẫn chưa được các cơ quan chức năng xử lý triệt để, gây bức xúc cho dư luận và nhân dân cư trú xung quanh” - Ông Tuấn nói.
Để có cái nhìn khách quan về vấn đề này, phóng viên đã trao đổi với ông Trần Hoàng Việt - Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Lâm cho biết: Đất có nguồn gốc là đất bãi bồi ven sông Hồng. Năm 1981, thực hiện dự án xây dựng cầu Chương Dương, các đơn vị trúng thầu thi công đã tự sử dụng để làm bãi tập kết vật liệu, văn phòng, nhà ở cho công nhân để thi công cầu. Trong đó, có Công ty quản lý và sửa chữa đường bộ 234 (nay là Công ty Cổ phần quản lý và xây dựng đường bộ 234).
Sau khi thi công xây dựng xong, Công ty Cổ phần quản lý và xây dựng đường bộ 234 được giao nhiệm vụ quản lý, duy tu sửa chữa thường xuyên cầu Chương Dương tại địa bàn thị trấn Gia Lâm (nay là phường Ngọc Lâm). Năm 2001, Công ty Cổ phần quản lý và xây dựng đường bộ 234 đã xây dựng nhà điều hành quản lý cầu Chương Dương tại vị trí trên. UBND thị trấn Gia Lâm đã tiến hành lập biên bản xử lý công trình xây dựng trái phép và báo cáo UBND huyện Gia Lâm xem xét giải quyết.
Tiếp đó, ngày 1/10/2014, Công ty Cổ phần quản lý và xây dựng đường bộ 234 đã ký Hợp đồng cho Công ty TNHH Thương mại Thiên Phong thuê một phần diện tích nhà đất khi chưa được các cơ quan thẩm quyền cho phép với thời hạn thuê 5 năm từ ngày 1/11/2014 đến hết ngày 31/10/2019. Phần diện tích còn lại Công ty Cổ phần quản lý và xây dựng đường bộ 234 để làm văn phòng Công ty.
Nhà hàng này đã tồn tại một thời gian dài, nhưng không hiểu vì lý do gì cho đến nay chính quyền địa phương vẫn chưa xử lý dứt điểm?
Ngày 18/3/2019 Công ty TNHH Thương mại Thiên Phong tiếp tục ký Hợp đồng cho Công ty TNHH TM và DV STEAKWAY Việt Nam thuê nhà đất với thời hạn 7 năm tình từ ngày 11/3/2014 đến hết ngày 10/3/2025. Đây là bản Hợp đồng do 2 Công ty tự ý ký với nhau và chưa được các cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Thời gian qua Công ty đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất với việc đầu tư xây dựng, cải tạo thành nhà hàng để kinh doanh. Tuy nhiên, chủ đầu tư lại không hề báo cáo với UBND phường, vì vậy chính quyền phường đã yêu cầu đơn vị này dừng hoạt động. Đồng thời UBND phường Ngọc Lâm cũng nhiều lần yêu cầu Công ty Cổ phần quản lý và xây dựng đường bộ 234 làm thủ tục thuê đất với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội theo quy định. Song nhiều năm trôi qua đơn vị này vẫn chưa cung cấp được các giấy tờ, văn bản nêu trên.
Mặc dù đã bị buộc tạm dừng hoạt động, nhưng theo quan sát của phóng viên, tại đây vẫn đang diễn ra các hoạt động kinh doanh. Trước sự việc trên Báo Tài nguyên và Môi trường đã liên hệ với UBND quận Long Biên. Thế nhưng đã hơn 1 tháng trôi qua phóng viên vẫn chưa nhận được câu trả lời từ phía các cơ quan chức năng của quận Long Biên?
theo CafeLand