Alomuabannhadat - Lĩnh vực bất động sản công nghiệp Việt Nam đang đón chào những làn sóng dịch chuyển từ các doanh nghiệp trên thế giới. Nhiều khu công nghiệp (KCN) được quy hoạch đồng bộ với hệ sinh thái bền vững, mở ra cơ hội đầu tư kinh doanh mới.
Thống kê của BW Industrial chỉ ra rằng trong vòng 9 tháng qua, hàng loạt doanh nghiệp lớn nhỏ trên thế giới đã chọn Việt Nam là điểm đến cho việc xây dựng nhà máy sản xuất và các chuỗi cung ứng. Trong quý 3 năm 2020, có tới 369 khu công nghiệp mới được thành lập, tăng 33% so với quý 2 năm 2020.
Lý giải nguyên nhân của sự tăng trưởng này, các chuyên gia phân tích của Savills cho rằng vốn đầu tư và các hiệp định thương mại tự do mới như EVTFA, CPTPP và RCEP đã đem lại những tác động tích cực đến thị trường công nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, chi phí trung bình cho việc xây dựng các kho bãi, phân xưởng tại Việt Nam chỉ rơi vào khoảng 300USD/m2.
Đặc biệt, nhờ công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả, nhiều tập đoàn lớn đã lên kế hoạch chuyển một phần cơ sở sản xuất sang Việt Nam, trong đó đặc biệt phải kể đến Samsung, công ty đã di dời khoảng 250 cơ sở cung cấp sang Việt Nam, qua đó vừa đem lại cơ hội việc làm cho người dân Việt Nam, vừa góp phần thúc đẩy kinh tế đất nước. Bên cạnh Samsung, hàng loạt ông lớn khác trên thế giới cũng đã bắt đầu có những hoạt động dịch chuyển cơ sở sản xuất sang nước ta như Microsoft, Google, Panasonic, Sharp, Foxconn,...
Làn sóng dịch chuyển đến Việt Nam trong năm 2021 và 2022 được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao nhờ các chính sách hỗ trợ của chính phủ, sự hiệu quả trong việc phòng chống đại dịch và quan trọng nhất là sự đồng bộ của cơ sở hạ tầng.
theo CafeLand