Thành phố Thủ Đức: Lợi dụng tâm lý muốn mua nhà đất do ngân hàng thanh lý, một số công ty bất động sản chào mời có sản phẩm rồi chuyển sang dụ khách mua đất nền kém chất lượng ở các tỉnh vùng ven.
Thời gian gần đây, các ngân hàng liên tục phát mại bất động sản giá rẻ khiến nhiều người đầu tư quan tâm. Lợi dụng tâm lý này, một số công ty bất động sản đã lập ra fanpage mạo danh các ngân hàng, đăng tin rao bán các mảnh đất phát mại để xử lý tài thế chấp ở khu vực "thành phố Thủ Đức" tương lai.
Không ít người có nhu cầu đã mắc bẫy, đến điểm hẹn và bị lừa đi đến các dự án đất nền ở ngoại thành.
Hàng loạt mánh khóe bài bản
Có một khoản tiền nhàn rỗi khá lớn, chị Mai Linh (đã đổi tên), sống tại Bình Thạnh, TP.HCM cân nhắc về việc tìm bất động sản phát mại của các ngân hàng để mua được với giá thấp hơn so với giá thị trường, đặc biệt là tại khu vực quận 2, 9 và Thủ Đức.
Gọi theo một số điện thoại trên fanpage rao bán bất động sản thế chấp của một ngân hàng lớn trong nước, chị được môi giới mời đến tòa nhà nằm trên Xa lộ Hà Nội, quận 2 để đi xem đất.
Tại đây, hàng chục nhân viên môi giới tập trung trước chiếc xe khách 50 chỗ chờ đón khách. Khi hỏi về vị trí khu đất, môi giới trả lời vòng vo rồi lập tức đưa chị Linh lên xe, sau đó giải thích đi xem đất nền ở Đồng Nai trước vì có dự án tốt. Ngồi cạnh chị là một phụ nữ trung niên.
"Trước đây tôi cũng đầu tư nhiều mảnh đất ở Bình Dương và có nhiều kinh nghiệm...", người phụ nữ lân la bắt chuyện với chị Linh. Thậm chí, người này còn bắt đầu trả giá với môi giới, sau đó rủ chị cùng mua để có giá ưu đãi từ công ty.
Khu đất của "dự án" Golden Center" được môi giới giới thiệu với khách hàng. Ảnh: NVCC.
Khi đó, chị Linh tin rằng may mắn gặp được dân đầu tư chuyên nghiệp và có thể học hỏi được nhiều trong chuyến đi xem đất lần này.
Đoàn xe đưa chị đến một mảnh đất lớn rộng gần 3 ha ở xã An Viễn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai đã được làm hạ tầng cơ bản.
Khi giới thiệu, môi giới cho biết đây là dự án Golden Center của Công ty TNHH đầu tư kinh doanh bất động sản Khang Thịnh Phát với sổ hồng, đất thổ cư riêng cho từng lô đất rao bán cho khách hàng.
"Xem đất xong, chúng tôi được đưa đến một nhà hàng để nhân viên giới thiệu và ký kết các hợp đồng đặt cọc với khách hàng. Mọi việc diễn ra nháo nhào như ở ngoài chợ. Khách được mời là mua ngay và có thể đặt cọc trước. Nếu không có người mua lại như cam kết có thể được hoàn cọc", chị Mai Linh kể lại và cho biết 3 tuần sau, chị vô tình phát hiện ra người phụ nữ đi cùng là một "diễn viên quần chúng" được chính công ty bất động sản này thuê làm "chim mồi" thuyết phục khách hàng.
Sau khi bị cả môi giới và vị khách hàng "chim mồi" thuyết phục, nhà đầu tư này quyết định đặt cọc 150 triệu đồng cho 1 lô đất.
Quân bài cuối đánh vào lòng tham
Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu lại một số giấy tờ về mảnh đất cũng như giấy tờ mua bán, chị phát hiện ra nhiều điểm bất hợp lý về dự án này.
Thứ nhất, UBND tỉnh Đồng Nai chưa từng phê duyệt bất cứ dự án bất động sản nào tại địa bàn đó với thông tin và tên gọi như quảng cáo.
Thứ hai, dù cam đoan bán cho khách mảnh đất thổ cư đã tách thửa và đủ tính pháp lý để cấp sổ hồng riêng sau khi chuyển nhượng, nhưng thực tế mảnh đất trong hợp đồng chuyển nhượng giữa chị Linh và công ty này lại hoàn toàn khác với mục đích sử dụng là trồng cây lâu năm và chưa được tách thửa.
Bên cạnh đó, những cam kết về việc sẽ tìm người mua lại lô đất hoặc trả lại tiền trong trường hợp khách hàng không muốn mua nữa cũng không thể hiện trong hợp đồng.
"Tôi thấy dự án này không ổn nên đã quyết định không mua và sẽ lấy lại tiền cọc. Tuy nhiên, cuối ngày, người môi giới đã dùng chiêu cuối để thuyết phục khiến lòng tham nổi lên", chị chia sẻ.
Khu đất được làm hạ tầng đầy đủ để thuyết phục khách hàng đầu tư. Ảnh: NVCC.
Cụ thể, người môi giới cho biết mảnh đất chị Mai Linh xem đã có khách mới đến hỏi mua. Nếu chị xuống tiền mua miếng đất này thì 7 ngày sau, khi người khách mới quyết định mua, chị sẽ nhận được khoản tiền chênh lệch với các ưu đãi trị giá khoảng 100 triệu đồng.
Ngay sau đó, chị Mai Linh đã trả trước 620 triệu đồng và ký hợp đồng với niềm tin rằng sang tuần sẽ bán lại lô đất.
Hơn 1 tuần trôi qua nhưng không thấy có sự xuất hiện của người khách này, chị liên lạc với môi giới và và nhận được những câu trả lời nhằm kéo dài thời gian chờ đợi.
"Trong suốt 1 tuần sau đó, khi không thể liên lạc cả 2 nhân viên môi giới trực tiếp làm việc với mình cũng như vị khách chim mồi kia, tôi mới biết mình đã bị lừa", chị kể lại.
Nhờ pháp luật can thiệp
Sau khi liên tục gửi đơn yêu cầu tổ chức làm việc với khách hàng cũng như gây sức ép với những nhân viên có liên quan của công ty Khang Thịnh Phát dưới tư vấn của luật sư, chị Mai Linh đã đến trụ sở công ty để đối thoại với luật sư đại diện và giám đốc của doanh nghiệp này.
"Nhóm nhân viên đã dùng nhiều đòn tâm lý khiến khách xuống tiền ngay tại chỗ, nếu có thời gian suy nghĩ kỹ lưỡng hơn sẽ không có ai bỏ tiền vào những dự án mập mờ pháp lý như vậy. Giá bán lô đất cũng khoảng 13 triệu đồng/m2, cao hơn nhiều so với giá đất của địa phương đó", chị bình luận thêm.
Chị Mai Linh cũng cho biết, đối với các khách hàng không may mắn đã mua phải các sản phẩm bất động sản tương tự, cần nhờ đến sự giúp đỡ về mặt pháp lý của luật sư và cơ quan chức năng để được tư vấn và giành lại quyền lợi của mình.
"Trong quá trình giành lại quyền lợi, phải tin rằng mình đang làm đúng mới có thể kiên quyết theo đuổi sự việc đến cùng. Ngay cả trong trường hợp phải khởi kiện ra tòa thì dựa vào pháp luật, chắc chắn tôi sẽ giành được phần thắng", chị Linh nhấn mạnh.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, trong vài năm trở lại đây thị trường bất động sản tại địa phương rất sôi động, bên cạnh những doanh nghiệp làm ăn uy tín cũng có không ít cá nhân, doanh nghiệp cố tình lách luật để lừa đảo khách hàng. Nếu khách hàng không cảnh giác, kỹ lưỡng trong giao dịch, chuyển nhượng đất đai sẽ gặp nhiều rủi ro.
Một dự án ảo tại địa phận huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai được chào mời đến khách hàng. Ảnh: HB.
Bình luận về vấn đề này, luật sư Lê Văn Nhân, Hội Luật gia tỉnh Đồng Nai cho biết, để tạo lòng tin với khách hàng, các chủ dự án ảo này thường ký các hợp đồng đặt cọc, hợp đồng nguyên tắc.
Đồng thời họ cam kết khi đến hạn bàn giao nền đất, bàn giao sổ đỏ mà không thực hiện hay gặp trở ngại thì sẽ bồi thường hợp đồng, mua lại nền đất của khách hoặc trả lại tiền gốc và thêm phần lãi suất hấp dẫn. Không chỉ lập các dự án ảo để lừa đảo, một số đối tượng còn làm sổ đỏ giả lừa đảo nhiều tổ chức, cá nhân.
Thời gian qua, nhiều khách hàng của 2 Công ty CP Bất động sản nhà đất Đồng Nai (TP Biên Hòa) và Công ty TNHH đầu tư bất động sản và xây dựng Rồng Đất (huyện Trảng Bom) đã gửi đơn tố cáo 2 công ty này lập nên những dự án ảo để bán cho khách hàng, thu về hàng chục đến cả trăm tỷ đồng.
Mới đây, giám đốc của 2 công ty trên bị cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai khởi tố để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
theo CafeLand