Alomuabannhadat – Năm 2020 là một năm khá đặc biệt đối với Việt Nam khi đã có đến ba hiệp định thương mại tự do lớn được ký kết. Các hiệp định này có ý nghĩa quan trọng, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội.
EVFTA – cú hích lớn cho xuất khẩu tăng trưởng
Sau gần 10 năm kể từ ngày khởi động đàm phán, từ ngày 1/8/2020, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực. Ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương hơn 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.
Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
Như vậy, gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta hiện nay.
Theo Bộ kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định EVFTA dự kiến sẽ góp phần làm GDP tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 đến 3,25% (cho giai đoạn năm năm đầu thực hiện), 4,57-5,30% (cho giai đoạn năm năm tiếp theo) và 7,07-7,72% (cho giai đoạn năm năm sau đó).
Về xuất khẩu, EVFTA dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định.
Xét về tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới, dự kiến kim ngạch của Việt Nam sẽ tăng trung bình 5,21-8,17% (cho giai đoạn năm năm đầu thực hiện), 11,12-15,27% (cho giai đoạn năm năm tiếp theo) và 17,98-21,95% (cho giai đoạn năm năm sau đó).
Về nhập khẩu của Việt Nam từ EU tăng khoảng 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030.
Xét về tổng thể, EVFTA sẽ góp phần giúp đa dạng hóa thị trường của Việt Nam để không bị phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường nào, từ đó giúp bảo đảm an ninh kinh tế của Việt Nam.
Thực tế, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU đã có sự tăng trưởng tích cực nhờ EVFTA. Sau một tháng có hiệu lực kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU đã tăng 600 triệu USD so với tháng trước, đạt gần 3,8 tỉ USD.
Qua 2 tháng, các tổ chức được ủy quyền đã cấp 20.680 bộ Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch gần 830 triệu USD đi 28 nước EU,…
Nhiều chuyên gia đánh giá, đây là những kết quả tích cực, cho thấy việc EVFTA có hiệu lực vào thời điểm này là khá kịp thời, giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường trong bối cảnh chúng ta đang chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19.
RCEP – tạo khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới
Sau 8 năm đàm phán, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được 15 nước, gồm Brunei, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Philippines, Thái Lan, Nhật Bản, New Zealand, Australia, Trung Quốc và Hàn Quốc đã chính thức ký kết ngày 15/11.
RCEP sẽ tạo ra thị trường trên quy mô 2,2 tỉ người, tương đương 26.200 tỉ USD, tạo nên khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới. Nhờ vào cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, quy tắc xuất xứ giá trị trong khu vực RCEP cùng các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, FTA này sẽ tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới.
Hiệp định cũng thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho các nước ASEAN trong bối cảnh các chuỗi cung ứng bất ổn gần đây. Việc thực thi RCEP cũng tạo nên khuôn khổ pháp lý ràng buộc trong khu vực về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử... và tạo ra sân chơi công bằng trong khu vực.
Tuy nhiên, việc tham gia RCEP cũng sẽ gặp không ít thách thức, nhất là sức ép cạnh tranh hàng hóa, bởi nhiều đối tác trong RCEP có cơ cấu sản phẩm tương tự Việt Nam nhưng có năng lực cạnh tranh mạnh hơn. Ngoài ra, hàng hóa Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào bên ngoài.
Nhiều chuyên gia cũng lo ngại về khả năng tăng nhập siêu. Tuy nhiên, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, không quá lo ngại về khả năng tăng nhập siêu. Không những thế, các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên sẽ có nhiều cơ hội tham gia các chuỗi cung ứng và tăng trưởng xuất khẩu, khai thác triệt để lợi ích Hiệp định mang lại.
UKVFTA – thêm "sân chơi" cho hàng xuất khẩu Việt Nam
Bộ trưởng 2 nước ký biên bản kết thúc đàm phán hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh.
Ngày 11/12, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) vừa được công bố kết thúc đàm phán. Theo các thỏa thuận giữa Anh và EU trong “Brexit” (Anh rời EU), Hiệp định EVFTA sẽ không còn áp dụng đối với Vương quốc Anh sau ngày 31/12.
Do đó, cả Việt Nam và Anh đều đang mong đợi, khi EVFTA chấm dứt hiệu lực với Anh quốc, UKVFTA sẽ sớm có hiệu lực để tránh đứt quãng giao thương, đồng thời tiếp tục mở ra nhiều cơ hội tăng cường hợp tác vì lợi ích chung trong lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh, thúc đẩy sự phục hồi kinh tế sau Covid-19.
Đồng thời, đây cũng là bước tiến quan trọng trong bối cảnh Anh sẽ chính thức xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào đầu năm 2021. Dự kiến, UKVFTA sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.
Theo Bộ Công Thương, Hiệp định UKVFTA được nhận định sẽ giúp giảm thuế nhập khẩu ước đạt 3.500 tỉ đồng/năm đối với hàng hóa nhập khẩu từ UK vào Việt Nam. Về phía Việt Nam, với nền tảng là những cam kết tiến bộ, tiêu chuẩn cao của Hiệp định EVFTA, Hiệp định UKVFTA được kỳ vọng sẽ tiếp nối động lực thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư của hai bên trong những năm tới.
Theo cam kết, sau 6 năm UKVFTA có hiệu lực, Anh sẽ xoá bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế, chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu. Sau 6 năm số dòng thuế được xoá bỏ nâng lên 91,8%, tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu và sau 9 năm sẽ là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch).
Được biết, Anh hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam tại châu Âu, với khoảng 400 dự án đang triển khai được đầu tư hơn 3,6 tỉ USD tính đến tháng 8 năm 2020. Hiệp định UKVFTA được kỳ vọng mang lại các dòng vốn đầu tư mới, thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ và có thêm nhiều giao dịch từ Anh tới Việt Nam.
theo CafeLand