Alomuabannhadat – Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong năm 2019, Trung Quốc vẫn là thị trường cung cấp sắt thép lớn nhất vào Việt Nam với 5,14 triệu tấn.
Theo đó, trong tháng 12/2019 nhập khẩu nhóm hàng này là 1,19 triệu tấn, trị giá đạt 724 triệu USD, tăng 2,8% về lượng và tăng 2,3% về trị giá. Trong năm 2019, lượng nhập khẩu sắt thép các loại đạt 14,56 triệu tấn, trị giá 9,51 tỷ USD, tăng 7,6% về lượng nhưng giảm 4% về trị giá so với năm 2018.
Năm 2019, Trung Quốc tiếp tục là thị trường cung cấp sắt thép các loại lớn nhất vào Việt Nam với 5,14 triệu tấn giảm 17,9% so với năm trước. Đứng thứ 2 là Ấn Độ với 2,21 triệu tấn, tăng mạnh gấp 3,6 lần năm 2018; đứng thứ ba là Nhật Bản với 2,08 triệu tấn giảm 6,7%…
Về tổng lượng xuất khẩu sắt thép trong năm 2019, tổng lượng xuất khẩu đạt 6,68 triệu tấn, trị giá 4,2 tỷ USD, tăng 6,7% về lượng nhưng giảm 7,4% về trị giá so với năm 2018.
Tính đến hết tháng 12/2019, sắt thép các loại chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường Campuchia là 1,7 triệu tấn, tăng 23%; Indonesia 873 nghìn tấn, tăng 27%; Malaysia 745 nghìn tấn; Hoa Kỳ 384 nghìn tấn, giảm 57,6%... so với năm trước.
Dự báo về tăng trưởng sản xuất thép trong năm 2020, Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết sẽ có sự tăng trưởng nhẹ khoảng 6 – 8%. Năm 2020, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu một số nguyên liệu như quặng sắt (gần 17 triệu tấn), thép phế (khoảng 5 triệu tấn), thép cuộn cán nóng ước khoảng 5 triệu tấn. Mức tăng trưởng này được nhận định là sẽ thấp hơn một chút so với mức tăng trưởng của ngành trong năm 2019 vừa qua.
Ngành thép trong nước tiếp tục đối mặt thách thức do sức ép cạnh tranh từ việc gia tăng nguồn cung trong nước, thép nhập khẩu từ nước ngoài; việc siết chặt tín dụng cho vay đối với thị trường bất động sản trong nước; ngoài ra, các công trình xây dựng giãn tiến độ chậm.
theo CafeLand