Alomuabannhadat - Việc điều chỉnh giảm lãi suất huy động sẽ giúp giảm chi phí huy động của các ngân hàng trong năm 2020.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gần đây đã ban hành chính sách lãi suất mới có hiệu lực kể từ ngày 17/03/2020, với mục đích tạo điều kiện cho việc giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế trong lúc dịch bệnh hoành hành.
Cụ thể, việc giảm mức trần lãi suất huy động (áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng) và lãi suất cho vay (áp dụng cho vay ngắn hạn bằng VND đối với sáu lĩnh vực ưu tiên theo quy định của Chính phủ) ước tính sẽ tác động trực tiếp đến lãi suất trên thị trường.
Theo các chuyên gia phân tích của SSI Research, các ngân hàng quốc doanh (Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Agribank, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam - VCB, Ngân hàng Công Thương Việt Nam - CTB) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ Thương - Techcombank đều đã giảm lãi suất trước đó, xuống dưới mức trần mới.
Từ đó nhóm nghiên cứu cho rằng, mức trần lãi suất mới sẽ không tác động nhiều đến các ngân hàng này. Thay vào đó, lãi suất huy động của hầu hết các ngân hàng vốn cấp 2 hàng đầu hiện nay cao hơn mức trần mới và sẽ được điều chỉnh giảm để phù hợp với quy định mới.
SSI Research ước tính việc điều chỉnh giảm lãi suất huy động sẽ giúp giảm chi phí huy động của các ngân hàng trong năm 2020, như ACB (471 tỷ đồng), MBB (411 tỷ đồng), VPB (171 tỷ đồng).
Mặt khác, VCB, BIDV, CTB và TCB (trong số những ngân hàng khác) có thể tiếp tục được hưởng lợi từ việc chi phí huy động tiền gửi không kỳ hạn thấp hơn đối thủ, nhờ lợi thế trong dịch vụ thanh toán và trả lương để duy trì khách hàng CASA.
Ngoài ra, tiền gửi sẽ được thu hút vào các kỳ hạn dài hơn để giúp các ngân hàng cải thiện các hệ số hoạt động nhằm tuân thủ các quy định hiện hành.
theo CafeLand