UBND huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An phân lô bán đất nền cho người dân ngay dưới đường điện cao thế, sau đó tìm cách "chữa cháy".
Nhà của những hộ dân được xây dựng ngay dưới đường điện cao thế
Thấp thỏm vì sống ngay dưới đường điện cao thế
Giữa tháng 6/2020, có mặt tại Dự án đấu giá đất ở rộng hơn 4ha tại khối 7, thị trấn Đô Lương tiếp giáp với khu đô thị Vườn xanh (Nam thị trấn Đô Lương thuộc huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An), PV không hết sửng sốt khi có khoảng 10 – 13 lô đất nằm ngay sát phía dưới đường dây điện cao thế 110Kv. Trong số đó có hơn 1 nửa số hộ dân đã xây dựng nhà cửa để sinh sống, kinh doanh buôn bán.
Theo biển báo cắm trên dọc tuyến đường điện thì khoảng cách chiều cao an toàn là 4,5m nhưng mặt bằng tầng 1 của các ngôi nhà xây dựng ở đây đều cách đường điện trong gang tấc. Để đảm bảo an toàn, từ tầng 2 và 3 các nhà đều phải thụt sâu vào trong so với mặt bằng.
Một người dân đang xây nhà ở khu vực này cho hay, hôm trước có thợ xây đang xây dựng ở tầng 2 ném một chiếc ủng xuống dưới. Vì chiếc ủng bị ướt nên khi vừa ném ra thì liền bị điện hút rồi cháy đen, ai cũng khiếp.
“Đất này do huyện quy hoạch và bán cho dân, trước đây nằm trong phạm vi an toàn hành lang lưới điện nên huyện phải trả lại tiền cho các hộ có đất nằm dọc dưới tuyến đường điện này. Giờ lỡ mua rồi thì phải sinh sống chứ gia đình cũng rất lo sợ, nhất là dãy này có hướng Tây, muốn trồng cây xanh cho mát thì không biết có an toàn không”, người đàn ông này lo lắng.
Khu đô thị mới được quy hoạch vào năm 2015 và xây dựng hạ tầng vào năm 2016 nhưng mãi đến tháng 6/2020 mới có điện
Chưa hết, hiện khu đô thị mới này có hàng chục hộ dân đã xây nhà sinh sống nhưng vẫn chưa có nước sạch, còn điện thì đến đầu tháng 6/2020 mới có. Để có điện sinh hoạt, các hộ dân đã tự kéo điện từ khu đô thị Vườn Xanh hoặc ở vùng lân cận sang. Do mạnh ai nấy làm nên dây điện đi ngổn ngang khắp khu dân cư, cọc chống được làm từ tre gỗ có thể gãy đổ bất cứ lúc nào, rất nguy hiểm.
Sau nhiều năm tích cóp, năm 2018, anh Phan Thanh Thủy quyết định mua 160m2 đất ở khu vực này với giá hơn 800 triệu đồng. Nắm bắt nhu cầu của người dân, anh bàn với vợ vay ngân hàng hơn 3 tỷ đồng để xây dựng một trường mầm non tư thục tại thửa đất này. Đến nay, công trình đã đi vào hoàn thiện nhưng vẫn chưa có nước sạch khiến vợ chồng anh như ngồi trên đống lửa.
“Gia đình tôi dự kiến tháng 9 này sẽ đưa trường học đi vào hoạt động, nhưng đến nay vẫn chưa có nước sạch, điện thì mới có vào đầu tháng 6 này. Trước đây, để có điện phục vụ xây dựng, gia đình phải xin tự kéo bên khu đô thị Vườn Xanh sang, cũng không có nước sạch. Chẳng biết có phụ huynh nào dám gửi con ở trường không. Tiền lãi ngân hàng cũng không biết lấy đâu để trả”, anh Thủy nói.
Để có điện xây dựng và sinh hoạt, người dân nơi đây phải kéo từ vùng khác sang khiến cho hàng chục đường dây điện nối chằng chịt và "ké" dưới cột điện cao thế
"Sai sót của cán bộ thời trước, huyện đã sửa sai"
Qua tìm hiểu được biết, thiết kế và giám sát dự án đều do nhân viên của Phòng Kinh tế hạ tầng UBND huyện Đô Lương thực hiện. Dự án được quy hoạch và phê duyệt vào năm 2015 với tổng diện tích 4,49ha, được chia thành 120 lô đất và được UBND huyện Đô Lương triển khai xây dựng hạ tầng vào năm 2016. Nơi đây được kỳ vọng sẽ cùng với khu đô thị Vườn xanh làm nên diện mạo mới cho khu vực phía Nam thị trấn Đô Lương.
Thế nhưng, sau 5 năm triển khai, đến nay khu đô thị này vẫn ngổn ngang và có nhiều bất cập đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống những người dân đã bỏ ra hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng mua đất, xây nhà nơi đây. Điển hình là nhiều hộ nằm trong hành lang an toàn đường điện cao thế.
Do mạnh ai nấy kéo điện nên cột điện được làm từ tre gỗ tạm bợ, rất nguy hiểm cho người dân
Ngoài ra, một số hộ dân có nhu cầu nhà ở khẩn cấp nên dù chưa có điện và nước sach nên đã phải tự bỏ tiền túi kéo điện từ Khu đô Thị vườn xanh hoặc từ ngoài khu vực khác vào. Còn về nước sạch thì các hộ dân phải tự khoan giếng để dùng.
Sau khi những người dân mua đất ở đây phản ánh, huyện Đô Lương đã “chữa cháy” bằng cách hỗ trợ thêm mỗi m2 đất 3 triệu đồng đối với các lô đất nằm dưới hành lang lưới điện.
Ông Hoàng Văn Hiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương cho biết: Việc đất của dân nằm ngay dưới đường điện cao thế là do trước đây cán bộ của Phòng Kinh tế hạ tầng cùng với đơn vị tư vấn sai sót trong quá trình xác định tim hành lang an toàn lưới điện. Sau khi nhận được phản ánh, huyện đã về kiểm tra và yêu cầu các hộ dân phải thụt lùi vào để đảm bảo an toàn về khoảng cách. Bù lại, huyện đã trả lại một phần tiền cho các hộ dân nằm dưới hành lang an toàn lưới điện.
“Sai sót này là của cán bộ thời trước, chưa gây ra hậu quả và đã được huyện sửa sai ngay sau đó”, ông Hiệp nói.
Thậm chí dây điện được đi "treo" trên cây xanh
Về điện và nước sạch, ông Hiệp cho biết thêm: Nhà máy nước sạch ở thị trấn đã khai thác hết công suất, huyện đang xúc tiến để kéo nước sạch từ nơi khác về khu vực này. “Giờ nhà máy hết công suất, chưa có nước sạch thì người dân cũng phải thông cảm và khoan nước giếng dùng", ông Hiệp nói.
Trong khi đó, điện đã đấu đến hộp công tơ và bàn giao hồ sơ cho Điện lực huyện. Giờ người dân muốn kéo điện từ hộp công tơ vào nhà thì phải tự kéo hoặc liên hệ điện lực để được hỗ trợ.
Theo Khoản 3. Điều 3. Luật Quy hoạch đô thị 2009 quy định: Khu đô thị mới là một khu vực trong đô thị, được đầu tư xây dựng mới đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và nhà ở. Nhưng xem ra cách làm của UBND huyện Đô Lương và cách trả lời của lãnh đạo huyện này giống như đem con bỏ chợ.
theo CafeLand