Nhiều “cò” môi giới BĐS đã “vẽ” một viễn cảnh tươi đẹp “nhà đẹp, giá siêu rẻ, pháp lý hoàn hảo” để rao bán những căn nhà liền kề cho khách hàng. Nhưng thực chất nhiều căn nhà không có giấy chứng nhận, được mua bán bằng giấy tay và nhờ các văn phòng thừa phát lại lập vi bằng. Thậm chí nhiều căn nhà chung một giấy chứng nhận cũng được bán bằng hình thức đồng sở hữu, lập vi bằng…
Rẻ thì có rẻ nhưng… coi chừng!
Gần đây, tình trạng mua bán nhà đất bằng vi bằng đang diễn ra rậm rộ trên địa bàn tỉnh Long An. Nhiều căn nhà liên kế diện tích không đủ để tách sổ, đứng chung một sổ đỏ, chung số nhà, có khu nhà chỉ có giấy viết tay… Nhưng nhiều môi giới BĐS lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách hàng, dùng những lời cam kết “mật ngọt”, sau khi xuống tiền sẽ công chứng sang tên sổ đỏ riêng từng căn.
Với diện tích khá đa dạng, những căn nhà liền kề từ 30m - 40m, thậm chí là nhiều khu nhà diện tích nhỏ hơn căn hộ chung cư một phòng ngủ, giá chỉ vài trăm triệu, khi mua nhà còn nhận được gói nội thất hàng chục triệu,đã và đang manh nha xuất hiện trên địa bàn tỉnh Long An.
Cụ thể, một số căn nhà liền kề gần Khu công nghiệp Cầu Tràm (Long An),một trệt, một lầu đang rao bán với giá 800 triệu, diện tích chỉ 3,5mx10m, bao gồm cả nội thất cơ bản. Nhiều nhân viên cam kết sau khi xuống tiền sẽ đi công chứng và có sổ hồng riêng.
Tuy nhiên, theo thông tin chúng tôi được biết, tại các căn nhà trên chỉ có một sổ chung, không tách được sổriêng từng căn. Một số căn nhà quảng cáo trên có điểm giống nhau là điều có 3 chung (chung việc xây dựng, chung sổ đỏ, chung số nhà). Đặc biệt, những căn nhà liền kế trên đều có diện tích đường nội bộ khá tiết kiệm, chưa đầy 3m…
Còn tại một số căn nhà liền kề nằm trong đường Đinh Đức Thiện (Cần Đước, Long An) cũng đang rao bán với giá khoảng 900 triệu, diện tích 4mx10m, chỉ cần xuống tiền sẽ đi công chứng bằng vi bằng tại các phòng công chứng thừa phát lại…
Ngày 19/12, trong vai một người đi mua nhà đất giá rẻ, chúng tôi gặp Đức, một cò đất gạo cội trên địa bàn giáp ranh Bình Chánh, Long An. Khi biết chúng tôi muốn mua một căn nhà phố trị giá khoảng 1 tỷ đồng, Đức nói số tiền trên không thể mua một căn nhà phố có sổ đỏ riêng mà phải mua nhà dạng 3 chung. Ngay sau đó Đức đã dẫn chúng tôi vào một khu phân lô trong một con hẻm và giới thiệu căn nhà rộng chưa đến 30m2 nhưng được xây dựng 1 trệt, 2 lầu có giá 1,5 tỉ đồng. Hình thức mua bán lập vi bằng vì căn nhà đứng tên chung với 5 căn khác.
Tranh chấp là trắng tay…
Những căn nhà không đủ điều kiện pháp lý để giao dịch luôn là miếng mồi béo bở mà các đối tượng lừa đảo đưa ra để chiêu dụ người mua khi họ đang cần đầu tư hay chỗ ở. Người mua cả tin nghe theo “cò” hoặc các đầu nậu, rằng cứ yên tâm mua bằng giấy tay, mọi thứ có vi bằng do thừa phát lại lập, nhưngkhi xảy ra những vấn đề về mua bán, xây dựng, tranh chấp… thì “hối hận đã muộn màng”.
Một số người có hiểu biết về đất đai và tỉnh táo sẽ đòi tiền lại, không chấp nhận cam kết sự lấp liếm trên.
Thời gian trước, tại TP.HCM, 6 hộ dân sinh sống trên khu đất thuộc phần thửa 352, tờ bản đồ số 1, thuộc hẻm 56, đường 42, phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức, TP HCM) cũng mất nhà vì mua nhà đất bằng hình thức lập vi bằng. Bà Hạnh, một trong 6 người nói trên kể, chị mua căn nhà 60 m2 với giá hơn 900 triệu đồng. Tháng 4.2018, thông qua văn phòng thừa phát lại quận 8, chị đã tiến hành lập vi bằng mua bán căn nhà trên với chủ nhà. Tuy nhiên, chỉ 4 tháng sau đó căn nhà của chị đã bị cưỡng chế, tháo dỡ khiến gia đình chị phải dọn đồ đạc ra khỏi căn nhà.
Nhiều luật sư tại TPHCM nhận định, không ít người mua nhà nhầm tưởng vi bằng do thừa phát lại lập có thể thay công chứng, chứng thực và cho rằng tồn tại “vi bằng công chứng thừa phát lại”. Đây là cách hiểu hoàn toàn sai lầm.
Pháp luật không ghi nhận vi bằng công chứng thừa phát lại, chỉ có vi bằng do thừa phát lại lập và văn bản công chứng do công chứng viên chứng nhận và đây là hai loại văn bản khác nhau.
Vi bằng là văn bản do thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác, còn văn bản công chứng là hợp đồng, giao dịch, bản dịch đã được công chứng viên chứng nhận theo quy định của Luật Công chứng.
Giá trị pháp lý của vi bằng được quy định tại Điều 28 Nghị định 61/2009/NĐ-CP. Theo đó, vi bằng có giá trị chứng cứ để tòa án xem xét khi giải quyết vụ án. Vi bằng là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Vi bằng chỉ ghi nhận nội dung cụ thể của sự kiện, hành vi được ghi nhận và kèm theo vi bằng có thể có hình ảnh, băng hình và các tài liệu chứng minh khác.
Trong giao dịch liên quan đến nhà đất, các bên được thừa phát lại lập vi bằng nhưng vi bằng này chỉ ghi nhận việc giao tiền, giao nhận giấy tờ chứ không chứng nhận việc mua bán nhà đất. Dùng vi bằng trong mua bán nhà đất là hình thức “lách luật”, không có giá trị pháp lý và giao dịch có thể bị tuyên vô hiệu khi xảy ra tranh chấp.
theo CafeLand