Quảng Nam hiện có 53 cụm công nghiệp (CCN) có quyết định thành lập trên địa bàn, mặc dù các địa phương đề xuất mở rộng thêm diện tích ở các CCN để phát triển kinh tế xã hội song còn nhiều vướng mắc dẫn đến có rất ít doanh nghiệp và nhà đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng CCN.
Theo quy hoạch phát triển cũng công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, toàn tỉnh có 92 CCN với tổng diện tích 2.613,14ha. Hiện nay, đã có 53 CCN có quyết định thành lập với tổng diện tích 1.489.65ha, diện tích đất công nghiệp 1.085,21ha. Mục tiêu là đến năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp ở các CCN chiếm 25% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, tương ứng với 30 nghìn tỷ đồng. Lao động tại các CCN đến năm 2025 là 35 nghìn người, chiếm 20% tổng số lao động của ngành công nghiệp toàn tỉnh.
Tính đến cuối năm 2019, có 51 CCN đã có quy hoạch chi tiết với tổng diện tích đất theo quy định là 1.355,182ha, diện tích đất công nghiệp 995,152ha. Trong đó có 49 CCN đã và đang triển khai thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng và đi vào hoạt động với diện tích 2.260,18ha, diện tích đất công nghiệp 929,092, tỷ lệ lấp đầy bình quân của 49 CCN đã phê duyệt QHCT và đi vào hoạt động đạt 68,36 %.
Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã tích cực thực hiện Quyết định 68 của Chính phủ về quản lý, phát triển CCN; Thông tư số 15 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định, hướng dẫn thực hiện quyết định trên, tuy nhiên theo đại diện Sở Công Thương Quảng Nam, đối với Quảng Nam công tác triển khai thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng CCN còn chậm, do có rất ít doanh nghiệp và đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng CCN.
Khu công nghiệp Chu Lai - Quảng Nam
Được biết, hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, chính quyền và các cơ quan chuyên môn vẫn tiếp tục thực hiện khuyến khích, ưu tiên lựa chọn các doanh nghiệp, hợp tác xã làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kĩ thuật các CCN. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể, về hình thức lựa chọn chủ đầu tư cho các CCN, thực tế rất nhiều CCN hiện nay nguồn vốn ngân sách quá hạn hẹp, không đủ để đầu tư, do đó kiến nghị UBND nên ủy quyền cho Sở Công Thương cùng các đơn vị chuyên môn làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định, sau đó kết quả sẽ báo cáo cho UBND tỉnh. Đồng thời, nếu Sở Công Thương là đầu mối, tiếp nhận, chủ trì giải quyết thủ tục về chấp thuận chủ trương đầu tư thứ cấp tại CCN, sẽ tạo thuận lợi và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về CCN.
Theo kiến nghị của Sở Công Thương Quảng Nam, trong các hình thức cấp vốn hỗ trợ cho chủ đầu tư là doanh nghiệp vẫn còn một số bất cập. Để quản lý chặt chẽ nguồn vốn hỗ trợ cho doanh nghiệp cần dự kiến áp dụng trình tự, thủ tục đầu tư dự án theo quy định của Luật Đầu tư và phương thức hỗ trợ sau đầu tư đối với dự án đầu tư hạ tầng kĩ thuật CCN do doanh nghiệp làm chủ đầu tư.
Ông Nguyễn Thanh Quang - Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Nam - cho hay, công tác đầu tư phát triển CCN trên địa bàn hiện nay rất khó thực hiện bởi các thủ tục đầu tư rất phức tạp, doanh nghiệp rất muốn đầu tư vào công nghiệp nhưng còn vướng mắc tại nhiều văn bản quy định nên khó triển khai. Đồng thời, nguồn vốn ngân sách hỗ trợ thấp không đủ để xây dựng hệ thống hạ tầng kĩ thuật bảo vệ môi trường. Trong khi đó địa phương dù rất muốn thu hút doanh nghiệp làm chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng nhưng không biết nên áp dụng cơ chế nào cho phù hợp.
theo CafeLand