Nhiều năm qua, Tây Nguyên triển khai nhiều dự án sắp xếp, ổn định dân di cư tự do (DCTD), nhưng hiệu quả vẫn chưa cao.
Khu tái định cư xã Thuận Hà vắng tanh, cỏ mọc um tùm.
Ðìu hiu khu tái định cư
Dự án trọng điểm ổn định dân DCTD khu vực biên giới xã Thuận Hà (huyện Đắk Song, Đắk Nông) được đầu tư vài chục tỷ đồng, triển khai từ năm 2011 nhằm ổn định hơn 249 hộ dân. Tuy nhiên, nơi đây vắng vẻ, đìu hiu ngoài sức tưởng tượng. Trước mắt PV Tiền Phong là những dãy nhà lụp xụp, cửa đóng then cài, cỏ mọc um tùm che khuất ngôi nhà, tìm mãi mới gặp được người để bắt chuyện. Chị Triệu Thị Nhất cho biết đã đến khu tái định cư này từ năm 2018. Trước đó, chị ở bản Đắk Thốt (xã Thuận Hà), quanh năm đi làm thuê, chứ không có đất sản xuất. Khi có dự án tái định cư này, chị được cấp một lô đất (ngang 10 m, dài 40 m) để dựng nhà tạm, quán nhỏ bán nước kiếm sống qua ngày.
Vượt suối trên chiếc bè tạm ở thôn Ea Rớt, Ðắk Lắk
Vào sâu bên trong, chúng tôi gặp ông Triệu Văn V (47 tuổi, dân tộc Dao). Ông nói không phải là người được cấp đất mà mua lại 1 lô với giá 80 triệu đồng của người dân ở khu tái định cư này. Ông V kể, quê ở Cao Bằng, vào Đắk Nông từ năm 2015. Thời mới vào, ông mua đất ở bon Prăng (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức), canh tác ổn định. Tuy nhiên, do đường sá đi lại khó khăn, ông ra khu tái định cư này mua đất. Hiện ông vẫn chưa làm nhà mà ở nhờ nhà của một hộ dân xây lên nhưng bỏ trống.
Ông V cho biết, khu vực này nhiều nhà dựng lên rồi để đó. Đến mùa thu hoạch hồ tiêu, cà phê, người lao động từ các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai sang làm thuê thường vào những ngôi nhà bỏ trống ở tạm. Bản thân ông cũng xác định không ở lâu dài vì nơi đây chỉ có đất ở, không có đất sản xuất. “Tôi mua đất rồi để đó cho con cái sau này tiện đường đi học, làm ăn. Ngày thường, tôi sang Tuy Đức sinh sống, làm rẫy, khi nào xong việc mới về đây”, ông V nói. Hỏi chuyện giấy tờ đất đai, ông trả lời chỉ viết giấy tay vì đất ở đây chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Ông Trần Văn Được, Chủ tịch UBND xã Thuận Hà, cho biết, dự án trọng điểm ổn định dân DCTD khu vực biên giới xã Thuận Hà do Chi cục Phát triển nông thôn Đắk Nông (Sở NN&PTNN Đắk Nông) làm chủ đầu tư, với tổng số vốn hơn 89 tỷ đồng, triển khai từ năm 2011. Đối tượng thuộc dự án là những hộ dân sống rải rác ở khu vực biên giới, vùng sạt lở và những hộ dân xâm canh trên đất lâm nghiệp thuộc xã Thuận Hà.
Những hộ này phần lớn là dân DCTD, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đất trong vùng dự án chỉ có 20 ha, chỉ đủ để cấp đất ở cho các hộ dân; mỗi hộ được cấp 400m2 đất ở và hỗ trợ 10 triệu đồng để dựng nhà. Do không có đất canh tác nên họ dựng nhà lên nhưng ít khi ở mà đi làm ăn xa hoặc vào rẫy sống. Về việc sang nhượng đất trong khu tái định cư, ông Được cho rằng, không có chuyện đó. “Khi giao đất, chính quyền yêu cầu người dân ký cam kết không được sang nhượng”, ông nói.
Ðất cán bộ chọn không hợp với dân?
Dự án ổn định dân DCTD xã Ea Kiết (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) được triển khai từ năm 2009 với mục tiêu đưa hàng trăm hộ dân sống trong vùng lõi rừng (do Lâm trường Buôn Ja Bầm quản lý) ra nơi ở mới, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Ông Thào Seo Chính, một trong những người đầu tiên có mặt tại làng Mông (xã Ea Kiết), nói rằng, vào đây từ năm 2004, lúc ấy, ngôi làng chỉ vỏn vẹn 10 hộ dân.
Chính quyền nhiều lần vận động người dân quay về quê cũ nhưng chẳng ai chịu vì khổ quá mới phải tha phương cầu thực. Sau đó, chính quyền cho lập dự án sắp xếp ổn định dân DCTD để di dời dân ra khỏi lõi rừng. “Lúc đó, chúng tôi cũng đồng ý và chính quyền đã đi khảo sát vị trí lập buôn mới. Thế nhưng, vị trí mà cán bộ chọn chỉ có đất làm nhà, không có đất sản xuất. Khoảng cách từ nhà đến rẫy gần 20 cây số, dân nghèo chúng tôi không có tiền mua xăng đi làm hằng ngày”, ông Chính nói.
Qua tìm hiểu của PV Tiền Phong, khu vực này gần trung tâm xã, có trường học, điện, đường hoàn chỉnh, nhưng lại thấp trũng. Những hộ chấp thuận đến định cư chủ yếu là người ở ngoài Bắc mới vào, các cặp vợ chồng trẻ vừa lập gia đình thiếu đất ở. Tuy nhiên, họ nhận đất chỉ để dựng nhà, nhập khẩu, làm giấy khai sinh, cho con đi học, còn hằng ngày vẫn vào làng cũ làm rẫy.
Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar, thừa nhận dự án sắp xếp ổn định dân DCTD trên địa bàn chưa đạt mục tiêu đề ra, không được dân đồng thuận nên chỉ có 74 hộ ra ở, còn 130 hộ vẫn bám trụ ở làng cũ. “Huyện đang bàn phương án ổn định dân cư tại chỗ nhưng chưa ngã ngũ, đến cuối năm nay hoặc sang năm 2021, sẽ tìm ra phương án phù hợp nhất giải quyết vấn đề DCTD”, ông Minh nói.
Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Y Biêr Niê, nguyên nhân chưa hoàn thành các dự án bố trí, sắp xếp, ổn định dân DCTD là thiếu nguồn vốn đầu tư, phần đất làm dự án hiện là đất lâm nghiệp chưa được thu hồi, chuyển đổi bàn giao về địa phương. Đắk Lắk đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ bố trí đủ số vốn ngân sách Trung ương còn thiếu để tỉnh triển khai hoàn thành các dự án.
Về thực trạng người dân DCTD ở nhiều nơi, dù đã có quyết định thành lập thôn, nhưng không làm được chứng minh nhân dân, hộ khẩu, ông Y Biêr Niê nói do còn liên quan đến đất rừng. “Hiện nay có 16 dự án DCTD đã được phê duyệt, trong đó có 13 dự án đang triển khai dang dở, còn lại chưa thể triển khai do vướng vào đất rừng, không bố trí được kinh phí... Chỗ ở của bà con DCTD đều liên quan đến đất rừng, trong khi Chính phủ chưa có chủ trương đồng ý chuyển đổi”, ông nói.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, từ 2015-2020, có khoảng 40.616 hộ DCTD đến các tỉnh Tây Nguyên, trong đó khoảng 18.300 hộ (chiếm 45%) chưa bố trí vào các điểm dân cư. Hiện còn hơn 20.000 hộ DCTD đang sinh sống rải rác tại nhiều địa phương, các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ chưa được di dời và bố trí sắp xếp vào các điểm dân cư theo quy hoạch. |
theo CafeLand