Huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) đang trong giai đoạn phát triển rất nóng trước định hướng trở thành đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu kinh tế). Tuy nhiên, địa phương này dường như đang vỡ trận trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng.
Tình trạng phân lô bán nền, xây dựng không phép, trái phép tràn lan trên đất nông nghiệp, đất rừng, đất dự án đã cấp cho doanh nghiệp, trong khi lãnh đạo địa phương “bó tay” vì lực lượng quá mỏng?
Giang hồ bao chiếm đất, bán công khai
Khu vực Bãi Trường, xã Dương Tơ hiện là một trong những điểm nóng vi phạm đất đai, trật tự xây dựng tại Phú Quốc. Cuối tuần qua, có mặt tại khu đất hình thành trên 40 căn nhà phố, biệt thự xây dựng không phép, phóng viên nhận thấy có 5-6 căn đang thi công dang dở, bên trong mỗi công trình có 10-20 thợ xây làm việc. Chị T., làm nghề phụ hồ tại một công trình, cho biết đất ở đây mua bán sang nhượng bằng giấy tay, tùy kích thước, vị trí với giá dao động 500-800 triệu đồng/nền.
Vậy, nhưng theo những công nhân làm việc tại đây, không ai biết chủ nhân thật sự của các ngôi nhà ở đây. Chỉ biết rằng những ai có nhu cầu mua đất liên lạc với người tên Lâm, sống tại quận Tân Phú, TPHCM. Gọi vào số phone của Lâm, người này cho biết đang sở hữu hơn 30 nền đất tại khu vực này.
Hơn 40 căn nhà xây dựng trái phép mọc lên trước sự bất lực của chính quyền xã Dương Tơ. Ảnh: Minh Tuấn
Phần đất này được ông và vài người bạn hùn hạp mua của dân rồi phân lô bán. Mỗi lô diện tích 500m2, mặt tiền đường 24m có giá 1,2 tỷ đồng, cùng diện tích sâu bên trong giá 800 triệu đồng. “Đất mua bán giấy tay, xây theo mẫu nhà có sẵn. Xây dựng khi chưa có giấy phép sẽ bị phạt, nhưng không sao, muốn giàu phải mạnh bạo, liều lĩnh. 800 triệu đồng đầu tư cứ coi như không còn, nhưng đất còn đó, 2 năm sau có thể bán được 25 tỷ đồng/nền” - ông Lâm nói.
Trao đổi với ĐTTC, ông Huỳnh Văn Nhân, Chủ tịch UBND xã Dương Tơ, cho biết những công trình sai phạm nói trên được xây dựng bên trong phạm vi dự án của Công ty Nhựa Phước Thành. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng xác định có 42 công trình nhà ở xây dạng bungalow. Thời điểm này, UBND xã Dương Tơ đang tập hợp hồ sơ, xin ý kiến UBND huyện Phú Quốc chỉ đạo xử lý. Nếu thực hiện theo đúng quy trình phải cưỡng chế tháo dỡ, để lấy đất giao cho nhà đầu tư. Hiện trên khu đất này có một số sổ đất giao khoán rừng trước đây vẫn chưa thanh lý, chủ tịch huyện đã chỉ đạo thanh lý cho người dân.
Để xảy ra những vi phạm nói trên, ông Nhân trần tình: “Với quy mô bao chiếm, lực lượng xã không thể làm nổi. Xuống lập biên bản không ai nhận. Cho lực lượng xuống kéo xe cuốc, thiết bị, vật tư về nhưng các công nhân cho biết họ chỉ làm thuê, không phải chủ nhà, cũng không phải chủ thầu. Do đó, chúng tôi đang kiến nghị lên cấp trên nếu chủ nhà không xuất hiện sẽ ra thông báo phá dỡ. Đối với công trình có chủ sẽ lập biên bản xử lý hành chính, buộc phá dỡ”.
Không chỉ phân lô bán nền trên đất của Nhà nước, xây dựng trái phép trên đất Nhà nước giao cho doanh nghiệp, nhiều dự án của doanh nghiệp khác trong khu vực cũng bị các đầu nậu, băng nhóm giang hồ đến bao chiếm. “Các đối tượng này ngang nhiên chiếm đất Nhà nước phân lô bán. Ngày nào lực lượng chức năng địa bàn cũng có nguy cơ đối đầu với băng nhóm, trong khi xã chỉ có 2 nhân sự địa chính phụ trách. Trong thời gian tới, những khu vực phân lô, bán nền, xây dựng trái phép, UBND xã sẽ cắm biển cảnh báo để người dân, nhà đầu tư tránh sập bẫy” - ông Nhân chia sẻ.
Có dấu hiệu buông lỏng quản lý, bảo kê?
Được biết, dự án Ocean Flowen - Hoa Đại Dương do Công ty TNHH Nhựa Phước Thành làm chủ đầu tư có quy mô 18,9ha. Hiện nay, chủ đầu tư đã hoàn thành quy hoạch chi tiết 1/500, quyết định chủ trương đầu tư, đánh giá tác động môi trường, PCCC, thiết kế cơ sở, thực hiện nghĩa vụ tài chính ứng trước bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Mặc dù chủ đầu tư đã tạm ứng tiền hỗ trợ, bồi thường vào Kho bạc Nhà nước Phú Quốc, nhưng đến nay chính quyền không những chậm trễ hỗ trợ, bồi thường, còn buông lỏng quản lý để nhiều đối tượng lấn chiếm, xây dựng bao chiếm ở quy mô rộng hơn.
Ngày 6-11-2019, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Mai Văn Huỳnh đã có cuộc họp tháo gỡ vướng mắc, chỉ đạo Công an huyện, UBND xã Dương Tơ lập kế hoạch kiểm tra, tháo dỡ công trình xây dựng trái phép trong ranh dự án do Công ty Nhựa Phước Thành làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, đại diện chủ đầu tư cho biết công trình xây dựng trái quy định lại tăng lên theo cấp số nhân sau mỗi cuộc họp, chỉ đạo từ cấp huyện đến cấp xã. Điều này gây thiệt hại và cản trở rất lớn đến tiến độ đầu tư của dự án.
Với mục tiêu xây dựng mô hình kinh tế mở, Phú Quốc trong những năm qua hút nhà đầu tư nhờ các cơ chế, chính sách ưu đãi mang tính đột phá trong việc phát triển ngành công nghiệp giải trí, du lịch, nghỉ dưỡng... Nhà đầu tư tìm đến Phú Quốc ngày càng nhiều do nhận thấy môi trường đầu tư tiềm năng ở đảo Ngọc này.
Tính đến cuối năm 2019, huyện đảo Phú Quốc có khoảng 300 dự án, với tổng vốn đăng ký, cam kết đầu tư hơn 370.000 tỷ đồng, phần lớn dự án đầu tư lĩnh vực du lịch. Nhiều nhà đầu tư tiềm lực tài chính mạnh, tầm cỡ quốc gia, quốc tế trên lĩnh vực du lịch đã và đang đầu tư vào Phú Quốc. Điều này đã làm thay đổi đáng kể diện mạo du lịch, tạo đà cho ngành du lịch địa phương phát triển mạnh mẽ, nguồn thu ngân sách từ đó cải thiện đáng kể.
Song, do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh và phát triển quá nóng, rất nhiều công trình của hộ gia đình và tổ chức đang xây dựng đều có dấu hiệu vi phạm Luật Xây dựng. Trước tình hình đó, tỉnh Kiên Giang đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để xử lý các vi phạm trong xây dựng trên địa bàn Phú Quốc. Theo đó, những công trình nào sai phạm, không phù hợp quy hoạch, đoàn kiểm tra sẽ ra quyết định xử phạt hành chính hoặc buộc tháo dỡ. Hàng loạt công trình sai phạm mặc dù đã bị cơ quan thanh tra, báo chí phanh phui, nhưng trên thực tế vẫn ngang nhiên tồn tại.
Điển hình 2 công trình ĐTTC từng có bài phản ánh xây dựng không phép, sai phép từ năm 2017 ở thị trấn Dương Đông, gồm khách sạn Hương Biển (SeaShells), theo giấy phép xây tối đa 7 tầng nhưng chủ đầu tư đã tự ý xây dựng vượt 2 tầng; căn nhà hàng ngàn m2 trên đồi Hiệp Thoại, núi Điện Tiên, xây dựng không phép đến nay vẫn tồn tại, chưa xử lý dứt điểm. Nhiều ý kiến cho rằng, để số vụ vi phạm tăng lên từng ngày với quy mô ngày càng lớn, trách nhiệm lớn thuộc về chính quyền địa phương. Ở đây không chỉ buông lỏng quản lý, mà có dấu hiệu bảo kê công trình sai phạm.
Diện mạo đô thị bị băm nát bởi hàng trăm, hàng ngàn công trình không phép, sai phép, với một bộ máy quản lý kém hiệu quả, Phú Quốc sẽ khó chuyển mình thành đặc khu kinh tế đúng nghĩa. |
theo CafeLand