Số tiền này do ngân sách quận ứng ra, sau khi hoàn tất phá dỡ, quận sẽ yêu cầu phía chủ đầu tư thanh toán chi phí phá dỡ thực tế.
Ngày 24-4, ông Bùi Thanh Bình, Trưởng phòng Đô thị quận Ba Đình, cho biết dự kiến chi phí phá dỡ tầng 18 nhà 8B Lê Trực sẽ hết khoảng 17 tỉ đồng.
Chi phí phá dỡ được tính thế nào?
Theo ông Bình, trong các chi phí để xây dựng dự toán lên tới 17 tỉ đồng trên bao gồm chi phí cho hạng mục cẩu tháp (chi phí lắp đặt, tháo dỡ, bảo hiểm công trình…); khối lượng phá dỡ; một số định mức, đơn giá vật liệu khác…
“Một số nội dung trong dự toán chưa có định mức, chưa có đơn giá cụ thể nên khi xây dựng dự toán quận đã mời Viện Khoa học công nghệ xây dựng (IBST) - Bộ Xây dựng về để xây dựng đơn giá. Trong đó có đơn giá sử dụng thiết bị cắt sàn bê tông bằng máy cắt bê tông dây kim cương, đây là thiết bị khá đắt tiền” - ông Bình nói.
Tuy nhiên, ông Bình cũng cho biết một số chi phí chưa có định mức, đơn giá cụ thể thì quận mới xây dựng dự toán tạm tính, còn phải căn cứ vào thực tế thi công mới ra được chi phí chính thức. Dự toán tạm tính này cũng đã được Sở Tài chính TP Hà Nội cho ý kiến. Theo đại diện quận Ba Đình, chi phí phá dỡ giai đoạn 2 bước đầu sẽ được ngân sách bỏ ra, sau khi phá dỡ sẽ yêu cầu phía chủ đầu tư tòa nhà chi trả.
Trước đó, ngày 17-4, Sở Xây dựng TP Hà Nội cũng đã có văn bản hướng dẫn quận Ba Đình phải cập nhật hồ sơ dự toán các hạng mục theo quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng (Nghị định 68/2019 của Chính phủ và Thông tư 09/2019 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng; Thông tư 10/2019/TT-BXD về định mức xây dựng; Thông tư 11/2019/TT-BXD về hướng dẫn xác định đơn giá nhân công xây dựng…) để xác định dự toán cho phù hợp.
Đoạn đường khu vực nhà 8B Lê Trực được phong tỏa để lắp đặt cẩu tháp chuẩn bị tiến hành phá dỡ tầng 18. Ảnh: TRỌNG PHÚ
Sẽ phá dỡ trước tầng 18
Trước đó, từ chiều tối 22-4, phường Điện Biên, quận Ba Đình đã cho phong tỏa đoạn đường khu vực mặt tiền nhà 8B Lê Trực để lắp đặt thiết bị cẩu tháp chuẩn bị phá dỡ giai đoạn 2 đối với tòa nhà này. Dự kiến việc lắp đặt cẩu tháp, thiết bị phá dỡ sẽ được tiến hành từ nay đến ngày 12-5, ngày 15-5 sẽ chính thức tiến hành phá dỡ.
Theo đó, lực lượng chức năng sẽ phá bỏ mái, vách ngăn, chỉ để lại khung, cột của tầng 18 để đảm bảo an toàn kết cấu công trình. Sau khi phá dỡ tầng 18, các đơn vị chuyên môn sẽ đánh giá lại để tiếp tục có phương án phá dỡ tiếp tầng 17.
Đơn vị thực hiện phá dỡ là Công ty CP Đầu tư xây dựng dân dụng Bắc Nam. Đây là đơn vị được quận Ba Đình chỉ định thực hiện công tác phá dỡ sau khi xin ý kiến TP Hà Nội.
Ngày 24-4, đại diện chủ đầu tư nhà 8B Lê Trực là Công ty CP May Lê Trực cũng đã có đơn kiến nghị gửi lãnh đạo TP Hà Nội đề nghị dừng phá dỡ giai đoạn 2 nhà 8B Lê Trực.
Theo đó, chủ đầu tư cho rằng dự án nhà 8B Lê Trực không thuộc đối tượng phải cấp phép xây dựng (theo Điều 19 Nghị định 12/2009 của Chính phủ) nên việc quận Ba Đình ra quyết định đình chỉ thi công, yêu cầu phải xin cấp giấy phép xây dựng là trái quy định của pháp luật. Ngoài ra, chủ đầu tư cũng cho rằng các quyết định xử phạt vi phạm hành chính của quận Ba Đình (vào tháng 10-2015 và 1-2016) đến nay đã hết hiệu lực thi hành vì quá hai năm, không còn giá trị thực hiện. Cả hai quyết định đều không có nội dung phá dỡ tầng 17, 18…
Chủ đầu tư cũng cho rằng đơn vị được chỉ định phá dỡ giai đoạn 2 của tòa nhà là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Bắc Nam không có giấy phép năng lực hoạt động xây dựng cấp I của Bộ Xây dựng, vì thế không đủ khả năng phá dỡ công trình có kết cấu phức tạp như nhà 8B Lê Trực.
Tại cuộc làm việc với Thường trực Thành ủy TP Hà Nội ngày 20-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Hà Nội phải tập trung giải quyết dứt điểm một số tồn tại trên địa bàn, trong đó có xử lý sai phạm xây dựng tại tòa nhà 8B Lê Trực.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội trong xử lý nhà 8B Lê Trực cần bảo đảm quy hoạch chi tiết khu vực này, an toàn công trình, bảo đảm quyền lợi đúng mức, đúng đắn cho nhà đầu tư, cần phải làm ngay phương án cụ thể vì công trình này kéo dài gần 10 năm mà chưa xử lý xong.
|
theo CafeLand