Trong năm 2019, công tác phát triển nhà trên địa bàn Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, vấn đề quản lý lại còn những khúc mắc cần sớm có quy định chặt chẽ, rõ ràng hơn để giải quyết.
Công tác phát triển nhà ở trong năm 2019 trên địa bàn Hà Nội đạt nhiều tín hiệu khả quan.
Kết quả tích cực
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2019, mặc dù thị trường bất động sản (BĐS) gặp nhiều khó khăn nhưng công tác phát triển nhà ở trên địa bàn Thủ đô vẫn được đẩy mạnh, dựa trên kế hoạch phát triển nhà ở của TP và những cơ chế, chính sách kêu gọi đầu tư. Cụ thể, trong năm 2019 TP đã hoàn thiện 3 dự án nhà ở xã hội với diện tích tương đương 171.000m2 sàn nhà ở; 2 dự án xây dựng nhà tái định cư theo hình thức xã hội hóa với tổng số 1.200 căn hộ; 96 dự án nhà ở thương mại với tổng diện tích trên 6,8 triệu mét vuông sàn.
“Sở cũng đã trình UBND TP xem xét, phê duyệt 16 dự án đề nghị chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới. Cùng với đó, trình TP ban hành quyết định bán nhà tái định cư được 238 căn hộ với tổng diện tích 11.965m2, hiện nay đã cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu bố trí tái định cư cho các dự án trọng điểm trên địa bàn TP và các dự án nhỏ lẻ khác tại các quận, huyện, thị xã” – ông Dũng cho hay.
Ngoài ra, trong năm 2019 trên địa bàn TP còn có 833 nhà chung cư thương mại đã được đưa vào sử dụng với tổng số gần 232.000 căn hộ, tổng diện tích sàn trên 20,2 triệu mét vuông. Tính đến hết năm 2019, trên địa bàn TP đã có 174 dự án nhà chung cư tái định cư được đưa vào sử dụng với tổng diện tích trên 1.150.000m2.
Tranh chấp tiếp diễn
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, trong năm qua, liên quan đến công tác quản lý vận hành nhà chung cư, đặc biệt là chung cư thương mại và chung cư tái định cư, tranh chấp giữa chủ đầu tư, ban quản trị và chủ sở hữu vẫn xảy ra một cách thường xuyên. Trong đó chủ yếu liên quan đến các vấn đề như sửa chữa trang thiết bị sử dụng chung, phòng cháy chữa cháy, bàn giao quỹ bảo trì 2%...
Đối với các dự án chung cư thương mại, mới thành lập được 596/833 ban quản trị, trong đó mới có 316/596 ban quản trị được bàn giao quỹ bảo trì 2%. Đối với nhà chung cư tái định cư 153/174 nhà đủ điều kiện thành lập ban quản trị nhưng mới cho 103 ban quản trị được thành lập và 44 nhà chung cư đã tổ chức Hội nghị nhà chung cư lần 2 theo quy định nhưng không thành công.
“Trong năm, Sở Xây dựng cũng đã tiến hành kiểm tra, giải quyết được 77/89 nhà chung cư có đơn kiến nghị, tranh chấp, lập hồ sơ xử phạt hành chính với 14 chủ đầu tư, trong đó UBND TP ban hành quyết định xử phạt 3 trường hợp, Sở Xây dựng ban hành quyết định xử phạt 11 trường hợp” – ông Nguyễn Chí Dũng cho biết thêm.
Theo các chuyên gia, để công tác quản lý nhà đi vào nền nếp, vẫn còn nhiều vấn đề phải làm, trong đó hoàn thiện đồng bộ quy định của pháp luật. Chuyên gia nghiên cứu thị trường, Hiệp hội BĐS Việt Nam Trần Quốc Dương cho rằng, theo đúng thông lệ, khi xảy ra tranh chấp cần có sự vào cuộc của tòa án, nhưng trong thời gian qua, người dân đã không lựa chọn kênh này để giải quyết mà chủ yếu qua các kênh thông tin, truyền thông.
Để đảm bảo đúng quyền lợi hợp pháp của mình, người dân phải có sự can thiệp của luật sư từ thời điểm ký kết hợp đồng, cho đến khi có những tranh chấp xảy ra, hơn là việc tự tập trung lại để tạo sức ép.
theo CafeLand