Cử tri TP. HCM kiến nghị bổ sung quy định cụ thể việc nhận chuyển nhượng nền đất để phục vụ tái định cư khi thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Kiến nghị nhận chuyển nhượng nền đất
Đây là nội dung kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh do Ban Dân nguyện chuyển đến Bộ Xây dựng. Văn bản kiến nghị nêu: Về chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi cải tạo, xây dựng mới chung cư hư hỏng nặng, nguy hiểm (cấp D), hiện nay, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã được tiếp cận theo cơ chế thị trường.
Theo luật Nhà ở năm 2014 và Nghị định số 99 (năm 2015) của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở, đã quy định việc sử dụng nhà ở xã hội hoặc mua nhà ở thương mại để phục vụ tái định cư. Tuy nhiên, chưa có quy định cơ quan, đơn vị lập, thẩm định và phê duyệt phương án nhận chuyển nhượng nền đất để phục vụ tái định cư. Để công tác chuẩn bị nguồn nhà ở, đất ở phục vụ tái định cư được chủ động, đáp ứng tình hình thực tế chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, Sở Xây dựng đã báo cáo, kiến nghị Bộ Xây dựng tại Công văn số 10320 (ngày 29/8/2018).
10 năm qua số nhà chung cư đã được cải tạo, sửa chữa vẫn chưa chạm mốc 20 (dưới 3%).
Trả lời kiến nghị này, Bộ Xây dựng cho biết, Nghị định 101/2015/NĐ-CP (năm 2015) của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đã có quy định về việc lập, thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Cụ thể, theo quy định tại Điều 9 và Điều 14 Nghị định thì phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư do đơn vị được lựa chọn làm chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư lập, gửi cho Sở Xây dựng xem xét, thẩm định trước khi trình Ủy ban nhân cấp tỉnh phê duyệt. Các nội dung về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thực hiện dự án cải tảo, xây dựng lại chung cư đã được quy định cụ thể tại Điều 14 Nghị định 101/2015/NĐ-CP cho cả hai trường hợp doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đầu tư vốn hoặc góp vốn thực hiện và trường hợp Nhà nước đầu tư
“Về kiến nghị bổ sung quy định cụ thể việc nhận chuyển nhượng nền đất để phục vụ tái định cư khi thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, Bộ Xây dựng xin ghi nhận và sẽ nghiên cứu khi sửa đổi, bổ sung Nghị định số 101/2015/NĐ-CP theo chỉ đạo của Chính phủ” – Bộ Xây dựng thông tin.
Đề xuất ‘lấp’ hồ Thành Công xây chung cư
Dù đây vẫn chỉ là đề xuất của Công ty CP Ðầu tư phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico) nhưng đề xuất này cũng đã làm nóng dư luận trong việc cải tạo khu tập thể cũ Thành Công (quận Ba Ðình, Hà Nội) vào cuối năm 2019.
Liên quan đến đề xuất này, Công ty CP Ðầu tư phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico) đã đề xuất với Hà Nội 2 phương án cải tạo khu tập thể cũ Thành Công. Trong đó, phương án 2 chủ yếu triển khai bằng nguồn lực của chủ đầu tư; 100% cư dân được tái định cư tại chỗ; chiều cao tối đa của công trình 35 tầng.
Điểm đáng lưu ý của phương án này là nhà đầu tư đề xuất mở rộng diện tích công viên và hồ về phía trung tâm khu đô thị và “bù lại” cũng đề xuất cắt giảm hơn 4.000m2 mặt hồ phía đối diện để làm khu nhà tái định cư chất lượng cao.
Đây không phải lần đầu tiên việc “lấp” hồ Thành Công được đưa ra. Trước đó, cách đây 2 năm, vào năm 2017, tại hội thảo cải tạo chung cư cũ, lãnh đạo Công ty Việt Hưng đã đưa ra đề xuất nâng tầng chung cư và lấy 1ha diện tích hồ Thành Công phục vụ tái định cư tại chỗ. Tuy nhiên, đề xuất này đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ phía lãnh đạo thành phố cũng như người dân, chuyên gia…
Theo một nguồn tin của VietNamNet, phương án được Việt Hưng đưa ra lần này cũng có những ý kiến cho rằng có thể ghi nhận. Bên cạnh đó cũng vấp phải nhiều ý kiến phản đối từ các thành viên Hội đồng thẩm định thành phố.
Trong khi đó, Lãnh đạo Sở Quy hoạch – Kiến trúc (QHKT) Hà Nội khẳng định đây mới chỉ là đề xuất của nhà đầu tư cần phải xin ý kiến cộng đồng và được các cấp có thẩm quyền đồng ý mới được đưa vào thực hiện, xây dựng.
Cũng theo lãnh đạo Sở QHKT phương án cải tạo chung cư cũ còn nhiều vấn đề cần thực hiện trong đó có việc lấy ý kiến cộng đồng. “Quá trình lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch sẽ phải lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng dân cư, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy trình quy định lúc đó mới là phương án đưa vào thực hiện, xây dựng” - lãnh đạo Sở QHKT nhấn mạnh.
Được biết, hiện Hà Nội có khoảng 1.155 nhà chung cư cũ cao từ 3 - 5 tầng và 10 khu thấp tầng. UBND thành phố Hà Nội đã giao 17 nhà đầu tư triển khai lập ý tưởng quy hoạch cải tạo, xây dựng lại 30 khu chung cư cũ.
Đến nay, ngoài khu tập thể Nguyễn Công Trứ đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết và giao chủ đầu tư xây dựng; Khu tập thể 3 tầng phường Nguyễn Trãi (quận Hà Đông) đã được chấp thuận tổng mặt bằng và phương án kiến trúc. Đối với 22 khu còn lại có 9 khu chung cư cũ đã báo cáo UBND thành phố lần 2, 8 khu đã báo cáo lần 1. Còn lại 5 khu chưa nộp phương án.
Nhìn vào thực tế trong suốt 10 năm qua, việc cải tạo chung cư cũ gần như “dậm chân tại chỗ”. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, hiện cả nước có hơn 2.500 nhà chung cư cũ, tương đương khoảng hơn 3 triệu mét vuông sàn được xây dựng từ trước năm 1994. Trong số này có hơn 600 nhà chung cư, tương đương khoảng 25%, thuộc diện hư hỏng, nguy hiểm (phân loại cấp C, D). Thế nhưng, 10 năm qua số nhà chung cư đã được cải tạo, sửa chữa vẫn chưa chạm mốc 20 (dưới 3%).
Các doanh nghiệp tham gia vào những dự án cải tạo chung cư cũ được đánh giá chủ yếu nhìn vào những vị trí "đất vàng" của những khu chung cư cũ. Tuy nhiên để tìm kiếm được lợi nhuận từ những vị trí vàng này là không hề dễ dàng bởi các chủ đầu tư cũng đang "đau đầu" giải bài toán với nhiều mệnh đề liên quan đến tạm cư, tái định cư, quy hoạch nội đô…
Có nhiều nguyên nhân khiến công tác cải tạo, xây dựng chung cư cũ chậm chạp, trong đó trở ngại lớn nhất vẫn là các quy định, chính sách chưa khuyến khích nhà đầu tư, vì thế nhà đầu tư không mặn mà.
Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục Trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, việc cải tạo chung cư cũ đã quy định trong Luật nhà ở 2014 với quy định và cơ chế rõ ràng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai xẩy ra nhiều bất cập. Cụ thể, khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng. Theo đó, các hộ dân ở tầng 1 không chịu di dời trong khi đó chỉ định chủ đầu tư đứng ra thỏa thuận.
Ông Ninh cũng cho hay, năm 2020, Bộ Xây dựng đề ra các giải pháp đẩy nhanh quá trình cải tạo chung cư cũ. Cụ thể, Bộ phối hợp các tỉnh lập tổ công tác, Bộ sẽ trực tiếp tham gia. Đồng thời, Bộ Xây dựng nghiên cứu sửa đổi Nghị định 101 về cải tạo chung cư cũ.
theo CafeLand