Sau 5 năm về tay Vạn Thịnh Phát, toà nhà bí ẩn ở TP.HCM vẫn “lạnh lẽo”

Alomuabannhadat – Sau nhiều năm “ngủ đông”, Thuận Kiều Plaza được công ty con của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát mua lại và đổi tên thành The Garden Complex vào năm 2014. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại chỉ phần khối đế của toà nhà được khai thác, còn hơn 600 căn hộ thuộc ba toà tháp vẫn bỏ trống.

Ghi nhận thực tế vào những ngày đầu tháng 11/2020, sự thay đổi của The Garden Complex không thực sự ấn tượng như kỳ vọng ban đầu khi được Vạn Thịnh Phát mua lại vào năm 2014.

Phần khối đế trung tâm thương mại sau khi được cải tạo đã có nhiều đơn vị đến thuê để kinh doanh. Tuy nhiên, chỉ có khu vực tầng trệt tình hình kinh doanh có vẻ nhộn nhịp với các cửa hàng ăn uống, thời trang, làm đẹp…

Đối với các tầng phía trên hoạt động kinh doanh lại rất trầm lắng. Nhiều mặt bằng kinh doanh đang đóng cửa. Dù là ngày cuối tuần song số lượng người đến vui chơi, mua sắm tại đây rất ít.

Một bảo vệ tại đây cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19 nên một số gian hàng tạm ngừng kinh doanh.

Với 3 toà tháp trên khối đế thương mại, cái mới duy nhất so với thời điểm cách đây 5 năm là màu sơn được chuyển thành hồng sang xanh. Hầu hết căn hộ tại các toà tháp vẫn đang bỏ trống.

Toạ lạc trên khu đất vàng đắc địa bậc nhất tại quận 5, TP.HCM – Thuận Kiều Plaza (tên gọi hiện tại The Garden Complex) được bao bọc bởi bốn tuyến đường lớn gồm Hồng Bàng, Thuận Kiều, Tân Hưng và Dương Tử Giang.

Thuận Kiều Plaza được xây dựng vào năm 1994, do Công ty TNHH MTV Xây dựng thương mại Sài Gòn 5 (trực thuộc Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn TNHH MTV) và Kings Harmony Int MTV của HongKong liên doanh đầu tư.

Dự án, được xây dựng trên khu đất gần 10.000m2, với tổng vốn đầu tư lên tới hơn 55 triệu USD. Năm 1998, dự án hoàn thành gồm 3 tháp, mỗi tháp có 33 tầng, trong đó có khu trung tâm thương mại, 648 căn hộ và các công trình tiện ích khác như khu giải trí, nhà xe, hồ bơi …

Vào thời điểm đó, với quy mô và số vốn đầu tư khủng, Thuận Kiều Plaza trở thành biểu tượng cho sự phát triển của thị trường bất động sản tại TP.HCM.

Tuy nhiên, sau khi đi vào sử dụng Thuận Kiều Plaza chỉ hoạt động cầm chừng, phần lớn căn hộ không có người đến ở trong suốt nhiều năm. Nhiều nguyên nhân được chỉ ra như Thuận Kiều Palza có cách thiết kế căn hộ không hợp lý. Bên cạnh đó, cũng xuất hiện rất nhiều đồn thổi dự án bỏ hoang vì gắn liền với những câu chyện ma mị.

Năm 2014, Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư An Đông (Công ty con của Vạn Thịnh Phát) đã bất ngờ mua lại toàn bộ dự án Thuận Kiều Plaza. Ngay sau khi về tay tập đoàn bí ẩn này, nhiều nguồn tin đồn đoán dự án sẽ được chuyển công năng thành bệnh viện, bị đập bỏ hoàn toàn để xây dựng một dự án khác…

Tuy nhiên, công ty An Đông sau đó đã bác bỏ mọi thông tin trên, đồng thời doanh nghiệp này cho cải tạo phần khối đế thương mại của dự án và đặt tên mới The Garden Complex. Toà nhà cũng được chủ mới cho thay đổi từ màu hồng sang màu xanh.

Nhiều người kỳ vọng sau khi về tay Tập đoàn có tiềm lực mạnh như Vạn Thịnh Phát, số phận của Thuận Kiều Plaza cũng sẽ được hoán đổi khởi sắc hơn. Tuy nhiên, thực tế sau 5 năm, dự án này vẫn chưa thực sự được “thoát xác”.

Liên quan đến “sức khoẻ” của chủ đầu tư The Garden Complex, theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), trong sáu tháng đầu năm 2020, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông lỗ sau thuế hơn 22,84 tỉ đồng.

Trong khi đó, cả năm 2019, doanh nghiệp này vẫn báo lãi gần 35,6 tỉ đồng. Tính tới cuối tháng 6/2020, vốn chủ sở hữu của An Đông đạt gần 9.110,5 tỉ đồng với hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu giữ nguyên ở mức 4,05, tương ứng với khoảng nợ gần 37.000 tỉ đồng.

Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông là một trong số các công ty thành viên thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát của nữ đại gia Trương Mỹ Lan. Doanh nghiệp này được thành lập vào năm 2007 với vốn điều lệ 9.000 tỉ đồng.

Hiện nay ngoài The Garden Complex, Công ty An Đông còn là chủ sở hữu của nhiều bất động sản giá trị khác như khách sạn 5 sao Windsor Plaza Hotel, An Đông Plaza 2…

theo CafeLand

  • Facebook
  • Chia sẻ

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: info@alomuabannhadat.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Đọc thêm

Có nên mua bán, chuyển nhượng bất động sản trả chậm, trả dần
Những quy định về đấu giá bất động sản mới nhất
Điều kiện thành lập đơn vị kinh doanh dịch vụ bất động sản
Các thuật ngữ liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bất động sản
Kinh nghiệm pháp lý liên quan đến hợp đồng thuê văn phòng
Pháp lý về quyền sở hữu và thực thi chuyển giao quyền sở hữu
Hợp đồng chuyển nhượng đất đai và quyền sử dụng đất đai
Thông tin quan trọng cần lưu ý về hợp đồng mua bán nhà đất
Những điều cần biết về hợp đồng thuê đất 2022
Lưu ý về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất