Alomuabannhadat – Là chủ sở hữu và nắm trong tay sổ đỏ khu đất rộng hơn 1ha tại Củ Chi, nhưng anh N.T không hề hay biết từ năm 2019 khu đất của mình đã bị biến thành “dự án” bất động sản và giới thiệu, rao bán tràn lan trên các trang mạng.
Phối cảnh dự án được rao bán trên mạng được cho là nằm trên vị trí khu đất của anh N.T
Phản ánh đến Alomuabannhadat, anh N.T (ngụ Hóc Môn, TP.HCM) cho biết, anh là chủ sở hữu của khu đất có diện tích gần 12.400m2 nằm trên đường Nguyễn Văn Kha, xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, TP.HCM.
Theo anh T, sổ đỏ của khu đất anh đang nắm giữ và trước nay chưa thực hiện giao dịch hay thỏa thuận với bất cứ cá nhân hay tổ chức nào. Tuy nhiên, thời gian vừa qua anh kinh ngạc khi phát hiện một “dự án” bất động sản được rao bán trên nhiều trang mạng có thông tin trùng khới với lô đất của anh từ vị trí, diện tích đến hình dáng lô đất.
Cụ thể, dự án có tên “khu dân cư Phú Hòa Đông” được nhiều trang rao bán bất động sản giới thiệu, tọa lạc tại mặt tiền đường Nguyễn Văn Khạ, xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, TP.HCM. Từ khu dân cư về phía Đông, dự án Phú Hòa Đông giáp khu dân cư nông thôn 1, phía Tây giáp khu công nghiệp Phạm Văn Cội, phía Nam giáp khu dân cư Phú Hòa Đông – khu I và khu II và phía Bắc giáp khu du lịch nghỉ dưỡng và khu trồng lúa.
“Dự án” khu dân cư Phú Hòa Đông có diện tích 12.400m2 được phân thành 80 nền đất có diện tích từ 80 – 206m2. Chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần đầu tư bất động sản B. L. Ngoài các thông tin trên, các mẫu rao còn có cả hình ảnh sơ đồ phân lô của toàn khu đất.
Anh T bức xúc: “Khu đất thuộc sở hữu của tôi. Những thông tin đăng quảng cáo như trên là không đúng sự thật, là dự án ma lừa người dân”.
Rao bán cả đất công viên
Trong những năm gần đây, tình trạng các công ty bất động sản, tổ chức môi giới tự ý vẽ dự án “ma” để lừa đảo chiếm đoạt tài sản khách hàng diễn ra rất phổ biến ở nhiều địa phương.
Hình thức quen thuộc của các công ty này là tìm cách liên kết với các chủ đất thỏa thuận hợp tác. Mặc dù phần lớn diện tích là đất nông nghiệp, chưa chuyển đổi, chưa được cơ quan thẩm quyền phê duyệt nhưng các công ty môi giới sau đó tự ý vẽ thành các “dự án ma” rồi rao bán cho khách hàng thông qua hình thức đặt cọc giữ chỗ, hợp tác góp vốn đầu tư.
Anh Thắng, một nhà đầu tư bất động sản chia sẻ, để thu hút và tăng niềm tin của người mua, không ít công ty môi giới đặt tên công ty “ăn theo” thương hiệu của nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn, uy tín đã từng làm nhiều dự án.
Ngoài ra, dù khu đất rao bán chỉ có diện tích rất nhỏ, vị trí không nằm mặt tiền tuyến đường lớn nhưng khi giới thiệu các công ty này thường vơ luôn các khu đất của người khác nằm bên cạnh để đưa ra các hình ảnh phối cảnh, rồi “nổ” đây chỉ mới là giai đoạn 1, các giai đoạn tiếp theo sẽ tiếp tục triển khai sau.
Trong năm 2020, một số công ty môi giới còn cả gan rao bán luôn cả đất quy hoạch công viên của nhà nước. Cụ thể, các địa phương gồm quận 9 (TP Thủ Đức) và quận 12 phải nhiều lần ra văn bản cảnh báo về hiện tác các nhóm tổ chức, cá nhân vẽ dự án không có thật trên vị trí đất dành cho quy hoạch công viên để lừa đảo người mua.
Luật sư Đàm Bảo Hoàng – Đoàn Luật sư TP.HCM khuyến cáo, với những khách hàng đang có ý định đầu tư bất động sản, đặc biệt là các dự án đất nền cần quan tâm các bước sau để phòng tránh rủi ro.
Đầu tiên, cần kiểm tra lý lịch và tên tuổi của chủ đầu tư xem doanh nghiệp có từng bị kiện tụng tranh chấp gì hay không. Chủ đầu tư có nhiều dự án lớn cũng là một cơ sở để yên tâm. Sau đó lên Internet để kiểm tra sơ bộ thông tin dự án.
Bước thứ hai cần đến UBND phường/xã nơi có dự án để kiểm tra xem dự án có giấy tờ gì chưa, có sổ đỏ chưa, dự án đã được phê duyệt chưa, có giấy phép xây dựng hay chưa. Sau đó, đến UBND quận nơi có dự án xem quy hoạch của dự án.
“Sau khi xác định được những thông tin pháp lý cơ bản của dự án như trên thì mới quyết định có xuống tiền đặt cọc, hay hợp tác đầu tư với chủ đầu tư dự án đó hay không”, Luật sư Hoàng nói.
theo CafeLand