Đây là kênh huy động vốn đầu tư rất lớn hiện nay ở không ít địa phương, vì vậy sau một thời gian tạm dừng, các cơ quan có thẩm quyền cần phải sớm có quyết định hướng ra cụ thể.
Ngày 24-9, lần đầu tiên Bộ KH&ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Câu chuyện mới đây Bộ Tài chính yêu cầu các địa phương dừng các dự án đổi đất lấy hạ tầng (các dự án BT) trở thành đề tài nóng tại hội nghị này.
Mỗi ngày đều trả lãi
Cụ thể, liên quan vấn đề này, mới đây Bộ Tài chính yêu cầu các địa phương, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM tạm dừng việc dùng tài sản công để làm các dự án BT. Bởi theo bộ này, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ: Quy định chi tiết về việc sử dụng tài sản công để tham gia dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư; quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT.
Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT và đến nay nghị định chưa được ban hành. Chính vì vậy, Bộ Tài chính đã đề nghị các địa phương “Tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư kể từ ngày 1-1-2018 cho đến khi nghị định của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT có hiệu lực thi hành”.
Ông Ngô Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho rằng: “Việc này cần có quyết định sớm vì nếu chậm thì chủ đầu tư sẽ tính lãi theo từng ngày. Như vậy thì hiệu quả sẽ không tốt”. “Chúng tôi chuẩn bị đất đai rồi, nếu giao sớm ngang giá thì giảm lãi suất, tăng hiệu quả đầu tư” - ông Toản nói.
Ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM, cũng đề cập tới các dự án BT và cho rằng BT là một kênh để huy động đầu tư của TP.
“Nghị định 15/2015 về các hình thức đối tác công tư ra đời ba năm nay. Cái khó nhất là đổi đất, chuyển đất, đấu giá đất để chuyển giao các dự án BT thì phải có hướng dẫn. Đối tác công tư có bảy hình thức nhưng BT là làm nhiều nhất” - ông Sử Ngọc Anh nói và cho hay TP.HCM đã bố trí vốn đầu tư công 135.000 tỉ đồng và thông qua kế hoạch huy động thêm 171.000 tỉ đồng.
Theo ông Sử Ngọc Anh, nếu không có hướng dẫn cụ thể thì TP không áp dụng được, từ đó ảnh hưởng đến các dự án thực hiện theo phương thức này.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng không trả lời trực tiếp các vấn đề này. Nhưng ông thông báo rằng: Dù “Đầu tư theo hình thức đối tác công-tư” là một dự luật khó, phức tạp nhưng Bộ KH&ĐT vẫn đang nỗ lực nghiên cứu, soạn thảo. Câu chuyện tạm dừng dùng tài sản công để thanh toán các dự án BT, cũng như một số vấn đề khác, Bộ KH&ĐT sẽ tổng hợp và có những hướng dẫn chung. Với những vấn đề riêng thì sẽ trả lời và xử lý riêng. Theo đó, vấn đề đầu tư công, các dự án BT… sẽ là những vấn đề chung.
Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trao đổi với các đại biểu tại hội nghị. Ảnh: chân luận
Vốn chậm do đâu?
Tại hội nghị, đại diện các tỉnh, TP cũng nêu những khó khăn do chưa có hướng dẫn Luật Quy hoạch, một số khó khăn về đầu tư công.
Ông Toản đề nghị Bộ KH&ĐT trình Chính phủ ban hành nghị định thực hiện luật quy hoạch, có thông tư hướng dẫn để thống nhất, đồng bộ. Một vấn đề cụ thể khác là Nghị định 120/2018 đang có cách hiểu khác nhau về thẩm định vốn, thẩm định đầu tư hay dự án thẩm định phải có dự toán có thẩm định của cấp quyết định.
“Việc này sẽ làm chậm tiến độ. Nếu làm theo trình tự thì rất lâu. Bước nào cũng làm và chờ đợi thì có thể kéo dài nhiều tháng… nên tình trạng sáu tháng đầu năm giải ngân chậm là luôn diễn ra và thường dồn vào cuối năm” - ông Toản nói.
Ông Sử Ngọc Anh thì cho hay: Trong các quy định về đầu tư thì thủ tục đầu tiên là phù hợp với quy hoạch, nếu bỏ quy hoạch thì không có cái đắp và dự án sẽ bị đình trệ.
“Ngành kế hoạch khi lập kế hoạch phải có văn bản xem có phù hợp với quy hoạch không. Quy hoạch 63 tỉnh thì phải phù hợp với cả nước trong khi quy hoạch của Chính phủ và cả nước chưa hoàn thành hết. Vậy chờ khi nào trung ương xong TP mới làm hay làm song song hay làm trước” - ông Sử Ngọc Anh đặt câu hỏi.
Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cũng nói vốn trung ương và vốn địa phương, các nguồn vốn khác chưa đáp ứng được nhiệm vụ nên Cần Thơ cân đối vốn rất khó khăn. “Giải ngân vốn đầu tư xây cơ bản tám tháng chỉ đạt 40% phân bổ trong đó khó khăn nhất là dự án phát triển đô thị” - ông Dũng nói và đề nghị bổ sung vốn cho Cần Thơ.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trong phần phát biểu kết luận khẳng định rằng: Đầu tư công tới nay đã thực hiện 1/2 kế hoạch trung hạn theo Luật Đầu tư công. Việc này đã khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, nợ đọng cao. Tuy nhiên, đang tồn tại những bất cập trong quá trình triển khai.
“Tồn tại là chuyện bình thường vì lần đầu tiên thực hiện một luật như thế này, lần đầu tiên thực hiện kế hoạch năm năm. Cái gì mới, là lần đầu nên vướng mắc, chưa rõ, chưa quen là dễ hiểu. Chúng tôi sẽ tổng hợp bất cập để trình QH về luật sửa đổi đầu tư công và trình kỳ họp thứ 6 kỳ này” - Bộ trưởng Dũng thông tin.
Riêng về giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Dũng thừa nhận “đây là chuyện nói nhiều. “Chúng tôi chịu áp lực trước những câu hỏi vì sao bộ giao vốn chậm? Tại sao giao nhiều lần? Vì sao giao mà chưa giải ngân được? Tại sao đến giờ vẫn là 40%... Kể cả Thủ tướng và các bộ, ngành liên tục thúc ép” - Bộ trưởng Dũng nói.
Sau đó, Bộ trưởng Dũng giải thích một số nguyên nhân về thủ tục do luật định, do tiến độ dự án ở từng địa phương. Ông nói: “Thực chất nguyên nhân nằm ở địa phương nhiều hơn”.
Quản lý quy hoạch massage, karaoke khó vì chưa có quy hoạch
Ông Sử Ngọc Anh nêu vấn đề quan trọng hiện nay là quản lý quy hoạch. Ông lấy ví dụ những ngành kinh doanh như karaoke, massage… pháp luật không cấm nhưng vẫn chưa có quy hoạch để cơ quan chức năng quản lý. Ngoài ra, Bộ cũng chưa có hướng dẫn về quản lý, cấp phép kinh doanh. Các ngành liên quan như văn hóa, y tế cũng chưa có hướng dẫn. Ông Sử Ngọc Anh cho rằng đây là một vấn đề lớn của quản lý nhà nước mà cần tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân làm ăn kinh doanh.
|