Gần 6 năm chợ tạm Khu Công nghiệp Lễ Môn, phường Quảng Hưng, TP Thanh Hóa hết hạn hoạt động, thế nhưng đơn vị quản lý vẫn ung dung cho hoạt động “chui”. Tài chính thu chi ở chợ tạm nhiều năm qua ai quản lý, thu chi như thế nào, ai được hưởng lợi là dấu hỏi cần được cơ quan chức năng làm rõ?
Các khoản thu gần 6 năm chi tiêu vào đâu
Theo tìm hiểu của phóng viên, để giải quyết tình trạng chợ cóc gây ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và mất an ninh trật tự trong khu vực, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư xây dựng nhà máy và nhà ở công nhân Khu Công nghiệp Lễ Môn, ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khi đó đã có Văn bản số 7092/UBND-CN ngày 9/9/2013 đồng ý với đề nghị của Sở Xây dựng cho phép tập hợp chợ cóc xung quanh khu vực về chợ tạm Khu Công nghiệp Lễ Môn hoạt động.
Theo đó, giao Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Khu Công nghiệp làm chủ đầu tư xây dựng, quản lý chợ tạm trong thời gian xây dựng chợ mới theo quy hoạch. Thời hạn 1 năm kể từ ngày ký, toàn bộ chợ tạm phải được di chuyển đến vị trí mới để bàn giao lại khu đất chợ tạm cho Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn quản lý.
Chợ tạm Khu Công nghiệp Lễ Môn mất an toàn giao thông, xe máy của người đi chợ để tràn làn ra lòng đường. Ảnh: VT
Chiếu theo nội dung Văn bản ngày 9/9/2013 của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa thì đến ngày 9/9/2014 chợ tạm Khu Công nghiệp Lễ Môn phải giải tán, bàn giao lại đất cho Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn quản lý. Thế nhưng, đến nay đã là cuối tháng 5/2020, nghĩa là chợ tạm đã hết hạn hoạt động gần 6 năm nhưng vẫn vô tư hoạt động chui, mà không có đơn vị nào về kiểm tra, xử lý, giải tán chợ theo quy định.
“Khu vực này không có quy hoạch chợ mà là đất Nhà nước quy hoạch trồng cây xanh cho Khu Công nghiệp Lễ Môn, việc sử dụng đất không đúng mục đích nhiều năm qua mà không bị đơn vị nào về kiểm tra, xử lý cả. Chưa nói chợ hoạt động nhếch nhác, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, không đảm bảo phòng cháy chữa cháy, rất nguy hiểm khi công nhân tham gia họp chợ. Cần giải tán ngay việc họp chợ không đúng quy hoạch này và đưa các tiểu thương vào chợ mới đã xây dựng dựng ở phường Quảng Hưng”, một người dân bức xúc nói.
UBND phường Quảng Hưng đã có báo cáo gửi gửi UBND TP Thanh Hóa về việc giải tỏa chợ tạm Khu Công nghiệp Lễ Môn. Ảnh: VT
Theo người dân địa phương, trong chợ tạm hiện có gần 70 gian hàng và nhiều hộ kinh doanh buôn bán khác phải đóng thuế phí mới được hoạt động. Nguồn thu từ việc hoạt động chợ tạm mỗi năm là rất lớn. Gần 6 năm chợ hoạt động chui nguồn kinh phí này thu được là bao nhiêu? Ai quản lý? Chi tiêu vào đâu? Ai được hưởng? Cần làm rõ, công khai minh bạch mới trấn an được dư luận.
Để tìm hiểu về vấn đề này và giải đáp những câu hỏi nói trên, phóng viên Báo Thanh tra đã nhiều lần liên hệ với ông Hứa Duy Sách, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Khu Công nghiệp, nhưng ông này không nhấc máy.
Quan điểm của đơn vị chủ trì là hết hạn thì giải tán
Mặc dù báo chí đã phản ánh, việc chợ tạm hết hạn đã gần 6 năm, các đơn vị có liên quan đã họp và thống nhất việc giải tỏa. Thế nhưng, đơn vị được giao quản lý chợ tạm là Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Khu Công nghiệp vẫn “cố đấm ăn xôi” làm văn bản gửi UBND tỉnh Thanh Hóa xin được tiếp tục gia hạn chợ tạm khi không cần thiết.
Mới đây, ngày 13/5/2020, ông Mai Xuân Liên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Văn bản số 5964/UBND-KTTC giao Sở Công thương chủ trì phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan, căn cứ vào quy định hiện hành và điều kiện thực tế tại địa phương nghiên cứu đề xuất của Công ty Đầu tư Hạ tầng Khu Công nghiệp tham mưu, báo cáo UBND tỉnh theo quy định.
Xe cộ để tràn làn trong chợ. Ảnh: VT
Mặc dù đến nay, đơn vị chủ trì vẫn chưa có kết quả báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa, thế nhưng quan điểm của đơn vị này hết hạn thì phải giải tán, chứ không thể hoạt động ở nơi không đúng quy hoạch được.
Ông Lữ Minh Thư, Phó Giám đốc Sở Công thương Thanh Hóa cho biết: Quan điểm của Sở Công thương là chợ phải thực hiện theo quy hoạch, còn gia hạn hay không phải phụ thuộc vào ý kiến của Sở Xây dựng liên quan đến quy hoạch đô thị, Sở Giao thông liên quan đến vấn đề giao thông, UBND TP Thanh Hóa liên quan đến việc quản lý các chợ thuộc thẩm quyền. Trên cơ sở ý kiến của các đơn vị này, Sở Công thương sẽ có văn bản báo cáo cho UBND tỉnh theo đúng tinh thần thực tế, khách quan. Từ tháng 1/2020 Sở Công thương đã có văn bản rà soát gửi các huyện, thị xã kiểm tra, kiểm soát các chợ cóc, chợ tạm để giải tán theo quy định Nhà nước.
“Liên quan đến quy hoạch phát triển đô thị thì địa điểm chợ tạm ở Khu Công nghiệp Lễ Môn là chưa chưa phù hợp theo quy định. Thời gian hoạt động của chợ tạm chỉ được phép 1 năm, hết thời hạn hoạt đồng mà doanh nghiệp vẫn thực hiện hoạt động mà không được ra hạn là doanh nghiệp không tuân thủ các quy định của pháp luật ”, ông Thư nói.
Mặc dù đã có thông báo tạm dừng hoạt động của chợ tạm Khu Công nghiệp Lễ Môn nhưng chợ này hiện nay vẫn vô tư hoạt động. Ảnh: VT
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh tra về vụ việc, ông Đàm Khắc Chương, Chủ tịch UBND phường Quảng Hưng cho biết: Trước thực trạng chợ tạm hết hạn hoạt động, UBND phường đã tổ chức họp với Phòng Quản lý Đô thị, Phòng Kinh tế, Đội Kiểm tra Quy tắc của TP Thanh Hóa và Văn phòng đại diện các Khu Công nghiệp Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn, Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Khu Công nghiệp để bàn phương án giải quyết. Hội nghị thống nhất quan điểm chợ tạm không đủ điều kiện để tiếp tục hoạt động, phải giải tỏa, thời gian tạm dừng hoạt động từ ngày 15/5/2020.
“Để đảm bảo phường Quảng Hưng đạt các nội dung tiêu chí về an toàn thực phẩm theo Quyết định số 32/2018/QĐ-UBND ngày 12/11/2018 của UBND tỉnh Thanh Hóa, phường Quảng Hưng đã báo cáo Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa báo cáo cơ quan chức năng dừng hoạt động của chợ tạm Khu Công nghiệp Lễ Môn”, ông Chương trao đổi.
theo CafeLand