Dân đông, đất trống nhiều, thuận tiện đi vào trung tâm TP.HCM khiến nhiều khu vực ở huyện Bình Chánh trở thành điểm nóng xây dựng trái phép.
Những khu nhà xây trái phép phải tháo dỡ tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh: Tự Trung
"Bao nhiêu đất phân lô cũng bán hết, bao nhiêu nhà xây dựng lên đều có người ở, từ những căn nhà mặt tiền đường cho đến những hẻm đất nhếch nhác, ngập ngụa nước mưa, nước dơ vì không có hệ thống cống thoát nước!" - ông Lê Công Tính, một người làm môi giới nhà đất lâu năm tại xã Vĩnh Lộc A, kể như vậy.
Xã đông dân nhất TP
Ông Tính kể ông về ấp 2, xã Vĩnh Lộc A mua căn nhà bằng giấy tay khoảng 400 triệu đồng từ 7 năm trước. Có căn nhà, gia đình ông chấm dứt cảnh ở trọ mấy năm phải chuyển một lần từ nơi này đến nơi khác. Rồi nhiều người đồng hương hỏi thăm, nhờ ông chỉ chỗ nhà giá rẻ để mua... Dần dà ông Tính thành người môi giới mua nhà, đất giấy tay ở xã Vĩnh Lộc A.
Ông không nhớ hết mình đã môi giới thành công cho bao nhiêu người, nhưng hầu hết những người tìm mua nhà đất về xã Vĩnh Lộc A là để ở. Nhiều người mua nhà đất ở được vài năm, sau đó có điều kiện mua được căn hộ, nhà phố tốt hơn thì tìm ông nhờ môi giới bán lại.
Trong khi đó, lãnh đạo xã Vĩnh Lộc A và huyện Bình Chánh cũng khẳng định nhu cầu nhà ở của người dân tại Vĩnh Lộc A là có thật. Không chỉ nhà ở cho 126.000 dân tại chỗ của xã mà rất nhiều người thu nhập thấp ở những nơi khác cũng muốn về đây mua một căn nhà bởi giá rẻ vừa túi tiền, không quá xa trung tâm TP...
Theo lãnh đạo huyện Bình Chánh, 10 năm gần đây, khu vực các xã Vĩnh Lộc A, B không có một dự án nhà ở nào hoàn thiện dành cho người dân tại khu vực này.
Mặt khác, phần lớn diện tích đất nông nghiệp của xã không thể sản xuất nông nghiệp do hệ thống thủy lợi bị hư hỏng, thu nhập thấp nên nông dân bỏ hoang đất rồi tìm cách bán đi...
Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Trần Phú Lữ cho biết ở Vĩnh Lộc A, dân phần lớn từ nơi khác đến, rất cần chỗ ở. Nhiều gia đình không có tiền chỉ mong muốn có căn nhà 40m2, tuy nhiên theo quy định tách thửa hiện nay, nhà đất phải 80m2 mới đáp ứng. Với diện tích này nhiều người không đủ tiền để mua. Do vậy, nhiều người dân sẵn sàng bỏ ra 500-800 triệu đồng để mua miếng đất 60m2 bằng giấy tay.
"Dù biết bất hợp pháp nhưng họ có căn nhà để ở thay vì trả tiền thuê trọ hằng tháng" - ông Lữ nói.
Không điều chỉnh quy hoạch để hợp thức hóa trái phép
Năm 2018, UBND TP.HCM đã được điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, được phép điều chỉnh thêm 26.000ha đất nông nghiệp thành đất phi nông nghiệp. Trong kế hoạch phân bổ, huyện Bình Chánh được phân 6.800ha để chuyển từ đất nông nghiệp thành đất phi nông nghiệp.
Theo kế hoạch sử dụng đất năm 2019, xã Vĩnh Lộc A được chuyển mục đích khoảng 577ha đất nông nghiệp thành đất phi nông nghiệp. Tất nhiên, diện tích được chuyển thành đất phi nông nghiệp phải phù hợp quy hoạch, lãnh đạo UBND TP cũng khẳng định không có chuyện điều chỉnh quy hoạch để hợp thức hóa cho nhà xây dựng trái phép.
Một chuyên gia về quy hoạch nhìn nhận rằng quyết định không điều chỉnh quy hoạch để hợp thức hóa nhà trái phép ở khu vực các xã nóng về xây dựng trái phép là hợp lý. Đồng ý là nhu cầu ở của người dân cao, nhưng chấp nhận điều chỉnh quy hoạch, cho hợp thức hóa nhà trái phép lúc này chẳng khác nào củng cố tâm lý "mua nhà trái phép sẽ được hợp thức hóa". Chẳng khác nào "mời" người dân đến mua nhà trái phép.
Theo vị này: "Luật quy hoạch sau 5 năm địa phương phải rà soát quy hoạch lại một lần và điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu phát triển của địa phương. Quy hoạch phải phục vụ cuộc sống nên phải điều chỉnh cho phù hợp, nhưng trước khi điều chỉnh thì phải dẹp được nạn xây dựng trái phép".
Vị này cho rằng công việc trước hết ở Vĩnh Lộc A vẫn thuộc về các lực lượng quản lý trật tự xây dựng, phải xử lý nghiêm túc các vi phạm xây dựng, rồi mới tính đến chuyện điều chỉnh quy hoạch.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Đăng Sơn - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng - cho rằng điều chỉnh quy hoạch là để tạo điều kiện cho khu vực có những dự án nhà ở đàng hoàng, hợp pháp chứ không nhằm hợp thức hóa nhà trái phép. Và khi việc vi phạm xây dựng đang "nóng", Nhà nước không nên điều chỉnh quy hoạch.
"Khi tính tới điều chỉnh, phải điều chỉnh trên phạm vi toàn huyện, nhắm tới việc tạo điều kiện cho những dự án nhà ở phát triển, đáp ứng nhu cầu ở của người dân để giảm nhà trái phép" - ông Sơn chia sẻ.
Xử lý cán bộ nhiều, chưa dẹp được xây dựng trái phép
Trong buổi làm việc giữa đoàn công tác Thành ủy với Huyện ủy Bình Chánh, nhiều giải pháp nhằm chặn đứng tình trạng xây nhà trái phép được nêu ra. Trong đó nhấn mạnh đến việc xử lý cán bộ, đầu nậu vi phạm. Nhưng đây có phải là gốc vấn đề?
Thực tế từ năm 2016 đến tháng 3-2020, hàng loạt cán bộ, công chức huyện, xã tại Bình Chánh liên tục bị kỷ luật vì để xảy ra sai phạm đất đai, xây dựng. Nhiều người còn ví von một số xã "điểm nóng" về sai phạm đất đai, xây dựng là "xã nướng cán bộ" - bởi nhiều cán bộ về đều bị kỷ luật. Tuy nhiên tình trạng xây dựng trái phép vẫn diễn ra.
Theo tài liệu của Tuổi Trẻ, giai đoạn năm 2016 đến tháng 3-2020, huyện Bình Chánh đã xử lý kỷ luật 104 cán bộ, công chức có sai phạm liên quan đến công tác quản lý trật tự xây dựng. Trong đó 11 người có sai phạm trong lĩnh vực đất đai, 93 người liên quan đến sai phạm lĩnh vực xây dựng.
Ông Trần Phú Lữ - chủ tịch UBND huyện Bình Chánh - cho rằng hiện mới chỉ dừng lại ở việc xử lý cán bộ hoặc xử lý hành chính người vi phạm. Trong khi những "đầu nậu" - người thu gom đất xây dựng trái phép bán cho dân - lại chưa bị xử lý đến nơi đến chốn, thậm chí xử lý hình sự. Từ năm 2011 công an khởi tố 7 vụ, có 8 bị can liên quan đến sai phạm trật tự xây dựng nhưng trong đó chỉ có 1 "đầu nậu".
|
theo CafeLand