TP.HCM muốn sớm gỡ vướng cho các dự án bất động sản

Alomuabannhadat - Các doanh nghiệp có dự án đang bị ách tắc có lý do để hy vọng khi ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM trong hội nghị đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn thành phố ngày 22/2 đã yêu cầu các sở ban ngành phải gỡ vướng cho các dự án bất động sản trước ngày 30/4 năm nay.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM

Tại hội nghị, ông Bùi Xuân Huy, Tổng giám đốc Tập đoàn Novaland, cho biết trong vài năm trở lại lại đây, trong quá trình phát triển dự án doanh nghiệp gặp những vướng mắc về pháp lý. Tuy nhiên, nhờ sự lắng nghe của các sở ngành, nhiều dự án đã được giải quyết.

Đối với dự án 30,2ha trên địa bàn phường Bình Khánh, quận 2 (dự án The Water Bay mà Novaland đã có đơn kêu cứu gửi Bộ Xây dựng mới đây), đại diện Novaland đề xuất được tiếp tục triển khai đối với phần đã xây dựng. Phần dự án chưa thi công thì doanh nghiệp đồng ý bàn giao lại cho chính quyền để tiến hành đấu giá.

Ngoài ra, Novaland còn đưa ra phương án thứ hai là doanh nghiệp được tiếp tục thực hiện toàn bộ dự án với chức năng nhà ở tái định cư theo các hồ sơ pháp lý đã được phê duyệt.

Phản hồi doanh nghiệp, ông Võ Văn Hoan cho biết, việc này là thẩm quyền của Chính phủ. UBND thành phố tiếp tục báo cáo lên cấp trên để xem xét.

Cũng tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai, cho biết Quốc Cường Gia Lai đã được tháo gỡ 6/12 dự án, và hiện nay doanh nghiệp còn vướng hai dự án chủ chốt. Trong đó quan trọng nhất là dự án Phước Kiển có diện tích hơn 91ha tại huyện Nhà Bè, TP.HCM.

Dự án đã được duyệt quy hoạch 1/500, chấp thuận đầu tư từ tháng 8/2017, đến tháng 8/2020 là hết hạn. Tuy nhiên đến nay doanh nghiệp vẫn chưa được giao đất để thực hiện.

Nguyên nhân là do dự án có quỹ đất hỗn hợp, trong đó có phần đất nông nghiệp phải chuyển mục đích sử dụng nên công ty phải quay lại Sở Kế hoạch Đầu tư để làm lại các bước thủ tục từ đầu.

“Nếu làm lại từ đầu, chúng tôi phải xin quyết định chủ trương đầu tư. Nếu tiếp tục các bước thủ tục theo quy trình thì không biết ba năm sau công ty có hoàn tất được các bước để được chấp thuận đầu tư hay không”, bà Loan nói thêm.

Theo bà Loan, đây là một dự án lớn, doanh thu từ 50-70 nghìn tỉ nên Quốc Cường Gia Lai không có đủ nguồn lực tài chính để thực hiện mà phải liên doanh với đối tác. Tuy nhiên, những đối tác đã đồng hành trong ba năm qua giờ đây đã rất nản và muốn rút khỏi dự án. Nếu đối tác rút lui, thì Quốc Cường Gia Lai cũng không có tiền trả lại.

Ngoài dự án Phước Kiển, doanh nghiệp này cũng đang gặp vướng mắc ở dự án Phú Hữu (quận 9). Dự án chỉ có 7,4ha nhưng gánh 1,7ha đất giáo dục, gánh thêm 2.100m2 đất cây xanh. Vấn đề là doanh nghiệp phải gánh cả phần cây xanh bị thiếu của địa phương.

“Doanh nghiệp đi lại rất nhiều, cuối cùng phải chấp nhận, vì nguồn vốn vay ngân hàng nên không thể đợi quá lâu. Doanh nghiệp phải chấp nhận chỉ tiêu 3,2m2 cây xanh, 3,2m đất giáo dục/người dân. Cuối cùng dự án chỉ có 2,7ha đất xây dựng, chỉ được mật độ xây dựng 35%, tức chỉ sử dụng được 1ha”, bà Loan nói.

Trước nhưng vướng mắc và kiến nghị của các doanh nghiệp, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, lưu ý các cơ quan có trách nhiệm đẩy nhanh việc thực hiện triển khai dự án. Điều đó có lợi cho cả doanh nghiệp và thành phố. Không để kéo dài, ảnh hưởng đến nguồn lực kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến tiến trình phát triển của thành phố.

Chủ tịch UBND TP.HCM cũng yêu cầu lập tổ công tác họp hàng tuần. “Đến 30/4 phải giải quyết xong để tháng 6 còn tập trung xử lý vụ Thủ Thiêm. Nếu thời gian trong tuần không có thì tổ công tác phải họp cả thứ 7, Chủ nhật”, ông Phong nhấn mạnh

Tại hội nghị Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, trong năm 2019, toàn thành phố chỉ có bốn dự án nhà ở thương mại được công nhận chủ đầu tư, giảm 24 dự án so với cùng kỳ; 16 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận đầu tư, giảm 64 dự án; trong đó chỉ có bảy dự án được chấp thuận đầu tư mới. Ngoài ra, chỉ có 47 dự án được xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn, giảm 30 dự án.

Nguyên nhân dẫn đến tình hình trên là do các quy định pháp luật về đầu tư, nhà ở, đất đai, quy hoạch đô thị chưa có sự thống nhất trong quá trình chuyển tiếp và ban hành. Cùng với đó, nhiều dự án đang trong quá trình thanh tra.

theo CafeLand

  • Facebook
  • Chia sẻ

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: info@alomuabannhadat.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Đọc thêm

Có nên mua bán, chuyển nhượng bất động sản trả chậm, trả dần
Những quy định về đấu giá bất động sản mới nhất
Điều kiện thành lập đơn vị kinh doanh dịch vụ bất động sản
Các thuật ngữ liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bất động sản
Kinh nghiệm pháp lý liên quan đến hợp đồng thuê văn phòng
Pháp lý về quyền sở hữu và thực thi chuyển giao quyền sở hữu
Hợp đồng chuyển nhượng đất đai và quyền sử dụng đất đai
Thông tin quan trọng cần lưu ý về hợp đồng mua bán nhà đất
Những điều cần biết về hợp đồng thuê đất 2022
Lưu ý về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất