Vào ban đêm hoặc những ngày cuối tuần, từng đoàn xe tải có trọng tải lớn nối đuôi nhau vào các khu vực đồi núi, vắng người qua lại "tranh thủ" tổ chức khai thác trái phép đất san lấp, đất cao lanh chở về bán cho các cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu.
Một thực tế dễ nhận ra là ngoài việc phá vỡ sự cân bằng của môi trường, khai thác đất khi chưa được quy hoạch đã gây thất thoát đến tài nguyên của quốc gia. Theo nhiều người, tình trạng khai thác đất trái phép hiện nay tại Quảng Nam đã đến mức độ báo động.
Những chiếc xe tải, xe múc đang trộm đất tại Quế Hiệp (H. Quế Sơn).
Tìm hiểu sự việc, chúng tôi đã có nhiều chuyến thực tế tại các huyện trung du, miền núi tỉnh Quảng Nam. Di chuyển theo con đường bê-tông từ xã Quế Xuân 2 về xã Quế Hiệp (H. Quê Sơn), sẽ không khó khi chứng kiến được cảnh xe múc, xe tải thực hiện việc khai thác đất trái phép diễn ra giữa "thanh thiên bạch nhật". Anh L.C (trú Quế Hiệp) trao đổi: Hiện tại ở Quế Sơn có nhiều gia đình không có đất làm nhà nên "tranh thủ" lấp ruộng, ao... để làm nhà. Ngặt nỗi, sử dụng cát để san lấp giá thành quá cao nên nhiều người chuyển sang sử dụng đất đồi, núi... cho rẻ. "Có cầu, ắt có cung" và có nhiều lãi nên chủ một số xe vận tải đã chọn những khu vực đồi núi, vắng người qua lại để trộm đất.
Để tránh bị phát hiện, họ chỉ chọn những ngày nghỉ, buổi trưa... mới cho phương tiện lưu thông. Tuy nhiên, với nhu cầu sử dụng đất san lấp vẫn bị xem là nhỏ lẻ so với nhu cầu sử dụng đất làm nguyên liệu sản xuất gạch của những lò gạch tuy-nen trên địa bàn Quảng Nam.
Theo thống kê chưa đầy đủ của chúng tôi, hiện tại trên địa bàn Quảng Nam có gần 40 nhà máy sản xuất gạch tuy-nen với tổng công suất gần 700 triệu viên/năm.
Tuy nhiên, đa phần trong số đó là những nhà máy chưa có vùng nguyên liệu hoặc đang trong giai đoạn lập hồ sơ xin cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác.
Từ thực trạng đó, vào những năm 2018-2019 những lò gạch tuy-nen ở các huyện, thị thuộc vùng đồng bằng đã thu mua nguồn nguyên liệu tận thu từ việc cải tạo đồng ruộng ở các địa phương, như Đại Lộc, Điện Bàn, Thăng Bình... để tích trữ và phục vụ sản xuất.
Một số ít lò gạch khác tại huyện trung du, miền núi dù được quy hoạch vùng nguyên liệu, cấp phép khai thác song vẫn xem vùng nguyên liệu này là "của để dành", "bình phong" cho việc sử dụng nguồn nguyên liệu "tận thu" từ việc khai thác trộm hoặc tự mua đất rừng của người dân địa phương để tổ chức khai thác khi chưa có sự cho phép của các cơ quan chức năng.
Cụ thể, tại xã Duy Phú (H. Duy Xuyên) có lò gạch tuy-nen của ông H., với công suất gần 5 triệu viên/năm. Dù được cấp giấy phép khai thác đất sét hẳn hoi song nguồn đất sét phục vụ cho sản xuất vẫn chủ yếu dựa vào việc khai thác đất đồi xung quanh khu vực sân bay An Hòa (xã Duy Thu).
Tương tự, các lò gạch tại H. Đại Lộc đều dựa vào nguồn cung trôi nổi có nguồn gốc từ khai thác trộm của một số doanh nghiệp khác trên địa bàn.
Trao đổi cùng chúng tôi, ông Hồ Thanh Phương-Trưởng phòng Tài nguyên-Môi trường H. Đại Lộc cho biết, trên địa bàn Đại Lộc, hầu hết các lò gạch tuy-nen đều chưa được cấp phép khai thác đất sét. Nguyên liệu sản xuất gạch được mua từ nhiều nguồn khác nhau. Năm 2020, Nhà nước quy định các nhà máy sản xuất phải có vùng nguyên liệu hợp pháp nên họ mới làm thủ tục xin cấp phép khai thác và đang được xem xét...
Cảnh khai thác đất không phép trên đường Đông Trường Sơn.
Ngày 23-2-2020 chúng tôi có mặt trên tuyến đường Đông Trường Sơn thuộc địa bàn TT Thạnh Mỹ (H. Nam Giang) để tìm hiểu về nạn khai thác trộm đất. Ông N.Đ.C, trú thôn Dung, TT Thanh Mỹ, cho biết: Hiện tại, có 3 doanh nghiệp chuyên doanh vận tải là Q.T, Đ.T, H.M tại xã Đại Hồng và Đại Hiệp, với số lượng khoảng 60 xe tải lớn tổ chức khai thác đất cao lanh tại đây.
Việc khai thác diễn ra gần như công khai song chưa thấy cơ quan chức năng nào kiểm tra, xử lý. Toàn bộ số đất khai thác trộm được vận chuyển về bán cho các nhà máy gạch tuy-nen, như: Đ.T, Đ.H. T.N... tại H. Đại Lộc với giá dao động từ 220.000 đồng đến 240.000 đồng/m3.
Theo nhiều người, sản xuất từ nguồn đất sét được mua của những đối tượng khai thác trộm sẽ có lợi nhiều khoản, trước hết là giá thành thấp, người mua được quyền lựa chọn loại đất có chất lượng cao, không phải nộp thuế tài nguyên cho Nhà nước... Với những "ưu điểm" như vậy nên đất sét hoặc đất cao lanh đồi hiện nay chẳng bao giờ sợ ế hàng và được ví "đắt hơn tôm tươi". Cũng vì thế, khai thác đất trộm đang trở thành một nghề đơn giản nhưng "hái ra tiền" hiện nay.
Với những gì đã chứng kiến, cho thấy tình trạng khai thác trộm đất hiện nay tại Quảng Nam đang diễn ra khá phức tạp. Điều đó đã gây thiệt hại cho ngân sách và ảnh hưởng xấu đến môi trường. Hy vọng, các cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp chấn chỉnh, đừng để tình trạng khai thác bừa bãi đất sét, đất san lấp tiếp tục xảy ra.
theo CafeLand