Từ khi triển khai đến khi phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) khoảng 15-17 tháng với dự án điện cấp 220 kV và khoảng 26-28 tháng với dự án cấp 500kV. Nhưng đó mới là khâu đầu…
Hệ thống điện hiện nay gần như không có dự phòng về nguồn điện khiến giai đoạn 2021-2025 tiềm ẩn rủi ro thiếu điện.
Văn bản nhiều, triển khai vẫn mắc
Thời gian từ khi triển khai đến khi phê duyệt FS khoảng 15-17 tháng đối với dự án cấp 220 kV và khoảng 26-28 tháng đối với dự án cấp 500 kV. Thời gian từ khi phê duyệt FS đến phê duyệt thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán mất thêm khoảng 14-16 tháng đối với dự án cấp 220 kV và từ 20 -22 tháng đối dự án cấp 500 kV.
Đây là thực tế được nêu ra trong báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phục vụ phiên giải trình về thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội mới đây.
Các quy định cụ thể của Luật Xây dựng, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại các doanh nghiệp (Luật số 69)... và các văn bản hướng dẫn thi hành được EVN chỉ ra, bởi đang khiến cho trình tự, thủ tục và thời gian triển khai công tác chuẩn bị đầu tư kéo dài và qua nhiều cấp trình duyệt.
Bên cạnh đó, việc bố trí quỹ đất và công tác bồi thường giải phóng mặt bằng ngày càng khó khăn, phức tạp trong bối cảnh quy hoạch của các địa phương còn thiếu đồng bộ, chồng chéo, cơ chế chính sách trong đền bù, giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập đã và sẽ tiếp tục ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai các dự án điện.
Đơn cử là vướng mắc trong xác định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư các dự án nhóm A có tổng mức đầu tư dưới 5.000 tỷ đồng sử dụng vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước xây dựng trên địa bàn nhiều tỉnh.
Theo Luật Xây dựng, Luật số 69..., thì hội đồng thành viên, chủ tịch công ty trong doanh nghiệp nhà nước chỉ có thẩm quyền quyết định đầu tư với dự án nhóm B trở xuống. Đối với các dự án nhóm A có tổng mức đầu tư dưới 5.000 tỷ đồng sử dụng vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước, pháp luật chưa có quy định xác định rõ cơ quan đại diện chủ sở hữu nào (Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp...) sẽ có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư các dự án này.
Việc xác định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu hoặc nhận chuyển nhượng; dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất, nhưng được thực hiện trên địa bàn nhiều tỉnh cũng đang là vướng mắc mà EVN cho rằng, pháp luật cần có quy định cụ thể để tháo gỡ.
Việc giải thích thẩm quyền của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng là vấn đề mà EVN mong được làm rõ trong quá trình triển khai dự án điện.
Theo Luật số 69, dự án vượt quá 50% vốn chủ sở hữu được ghi trên báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp tại thời điểm gần nhất với thời điểm quyết định dự án hoặc vượt quá mức vốn của dự án nhóm B theo quy định của Luật Đầu tư công, thì hội đồng thành viên, chủ tịch công ty phải “báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, phê duyệt”.
Tuy nhiên, theo Nghị định số 131/2018/NĐ-CP, cơ quan phê duyệt dự án và người quyết định đầu tư là các chủ thể độc lập. Nếu chiếu sang khoản 1, Điều 72, Luật Xây dựng, thì “người quyết định đầu tư xây dựng” lại có quyền phê duyệt, không phê duyệt hay đình chỉ thực hiện dự án đã được phê duyệt khi thấy cần thiết phù hợp với quy định của pháp luật…
Như vậy, ngay cả việc phê duyệt dự án của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là đồng nhất với thủ tục phê duyệt dự án đầu tư xây dựng theo pháp luật về đầu tư và pháp luật về xây dựng, thì còn cần làm rõ việc “xem xét, phê duyệt” đối với dự án của Ủy ban là “xem xét” Pre FS (báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án) để quyết định chủ trương đầu tư hay “xem xét” FS để quyết định đầu tư đối với các dự án.
“Quy định tại Luật số 69 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật này đang dẫn đến các cách hiểu khác nhau trong quá trình xem xét, phê duyệt dự án. Vì vậy, cần có giải thích rõ về thẩm quyền của các cơ quan nhà nước có liên quan, tránh dẫn đến kéo dài công tác chuẩn bị đầu tư của các dự án”, EVN đề nghị.
Khi “đặc thù”, cấp bách” chưa rõ ràng…
Mặc dù Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, hay Nghị định 59/2015/NĐ-CP có nhắc tới công trình xây dựng đặc thù, công trình được xây dựng theo lệnh khẩn cấp có lĩnh vực năng lượng, nhưng theo EVN, việc xác định tiêu chí thế nào là “điều kiện đặc thù, riêng biệt”, thế nào là “các yêu cầu khẩn cấp khác”, thế nào là “cấp bách về an ninh, an toàn năng lượng” chưa được quy định cụ thể tại bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào.
Tại nhiều Dự án điện, đang diễn ra tình trạng trùng lặp trong việc xem xét bổ sung quy hoạch và xem xét quyết định chủ trương đầu tư Dự án nhóm A, các Dự án quan trọng quốc gia. |
Với thực tế hệ thống điện hiện nay, gần như không có dự phòng về nguồn điện khiến giai đoạn 2021-2025 tiềm ẩn rủi ro thiếu điện khi xảy ra trường hợp nhu cầu phụ tải cao hơn dự báo và/hoặc lưu lượng nước về các hồ thủy điện kém và/hoặc các nhà máy điện không đáp ứng yêu cầu về độ tin cậy vận hành hoặc không đảm bảo đủ nhiên liệu (than, khí) cho phát điện, thì việc giải thích luật về vấn đề “đặc thù”, “cấp bách” như Luật Đấu thầu và Luật Xây dựng được cho là tạo điều kiện để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án điện, góp phần đảm bảo an ninh cung cấp điện cho đất nước.
Tại nhiều dự án điện, đang diễn ra tình trạng trùng lặp trong việc xem xét bổ sung quy hoạch và xem xét quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A, các dự án quan trọng quốc gia. Cụ thể, khoản 2, Điều 52, Luật Xây dựng 2014 quy định: “Đối với các dự án quan trọng quốc gia, các dự án nhóm A, trước khi lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, chủ đầu tư phải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng”.
Tuy nhiên, các dự án điện nhóm A thuộc danh mục các dự án, công trình cấp bách hầu hết có trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nên cơ bản đã đảm bảo các nội dung quy định về sơ bộ về địa điểm xây dựng; quy mô dự án; vị trí, loại và cấp công trình chính; bản vẽ thiết kế sơ bộ tổng mặt bằng dự án; mặt bằng, mặt đứng, mặt cắt công trình chính của dự án; bản vẽ và thuyết minh sơ bộ giải pháp thiết kế nền móng được lựa chọn của công trình chính hay sơ bộ về dây chuyền công nghệ và thiết bị công nghệ (nếu có).
Do đó, đối với các dự án này, việc lập Pre FS là không cần thiết và mang tính chất lặp lại hồ sơ. Trong khi nếu cho phép miễn thực hiện thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt Pre FS, sẽ hỗ trợ các dự án nằm trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh rút ngắn thời gian ít nhất từ 6 tháng đến 1 năm, góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư dự án.
theo CafeLand