Một khu dân cư tự phát ở TP HCM mọc lên bởi có sự khó hiểu trong việc quản lý địa bàn và sự lươn lẹo của chủ đất nhưng hậu quả cuối cùng là người mua đang phải gánh chịu
Từ trước Tết nguyên đán đến nay, 70 hộ dân trong khu dân cư tự phát (thuộc ấp 1, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP HCM) đứng ngồi không yên vì nhận quyết định yêu cầu tự tháo dỡ nhà từ UBND xã Vĩnh Lộc B.
Lâm vào khó khăn
Theo tìm hiểu của chúng tôi, 70 căn nhà trên được xây dựng trên đất trồng cây lâu năm, mỗi hộ dân đều có một sổ đỏ nhưng sở hữu chung. Chủ đầu tư khu dân cư tự phát này là ông Nguyễn Thanh Lâm (ngụ huyện Bình Chánh, TP HCM) sau khi bán đất cho các hộ dân còn đứng ra xây nhà cho họ và hứa hẹn sẽ hợp thức hóa khu đất thành đất ở.
Đưa chúng tôi xem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên sở hữu chung với nhiều người, được Sở Tài nguyên và Môi trường TP cấp năm 2015, ông Ph.Đ nói năm 2013, vợ chồng ông mua miếng đất 100 m2 ở đây. Khi mua, ông Nguyễn Thanh Lâm cho biết đây là phương án mới, sau khi xây dựng nhà sẽ hợp thức hóa sổ hồng cho người dân, đồng thời ông Lâm đứng ra "bao" xây dựng theo yêu cầu của ông ấy như sân trước phải chừa bao nhiêu, phía sau phải có giếng trời, độ cao nhà phải đúng chuẩn. "Thấy khu đất được trải đá làm đường, trồng cây xanh nên người dân tin tưởng bỏ tiền mua đất, xây nhà, sau 5 năm sinh sống thì chính quyền ra lệnh tháo dỡ, thiệt khổ" - ông Ph.Đ than vãn.
Tương tự, nhận lệnh tháo dỡ nhà, gia đình ông Phan Tấn Sinh đứng ngồi không yên vì gom hết vốn liếng rời quê ở Đắk Lắk đến đây lập nghiệp. "70 hộ dân đa số có hoàn cảnh khó khăn, sống bằng buôn bán nhỏ. Khi chủ đầu tư trưng giấy tờ, bản vẽ và giới thiệu đây là đất phương án mới với diện tích hơn 20 ha nên nhiều người an tâm mua, nào ngờ bị buộc tháo dỡ. Chúng tôi đã làm đơn xin địa phương cứu xét, cho phép nhà cửa được tồn tại, đóng thuế để hợp thức hóa nhưng mới đây, đầu tháng 1-2020 lại nhận thông báo yêu cầu tháo dỡ nhà của UBND xã" - ông Sinh thở dài và cho hay hiện gia đình vô cùng rối, bởi không biết tương lai rồi sẽ ra sao.
Chị Huỳnh Thị Hương và con gái lo lắng về số phận căn nhà mà gia đình chị đang sinh sống ổn định nhiều năm nay
Vừa chở con gái chạy thận từ bệnh viện về, chị Huỳnh Thị Hương chua xót cho biết mọi người nơi đây chỉ mong được sửa trong vi phạm xây dựng bằng cách phạt hành chính. "Khi người dân mua đất có sổ đỏ, thời gian xây dựng kéo dài cả 2-3 tháng nhưng chính quyền không lập biên bản xử phạt hay đình chỉ xây dựng gì cả. Nếu có trường hợp bị đình chỉ thì không nảy sinh đến 70 hộ dân rơi vào tình cảnh trớ trêu như hiện nay. Cái này là quýt làm cam chịu mà. Mong chính quyền xem xét" - chị Hương nói.
Cần làm rõ trách nhiệm các bên
Trao đổi với chúng tôi, ông Lôi Đại Phong, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B, cho biết năm 2018, ông về làm chủ tịch xã này và có nhận được đơn kêu cứu của các hộ dân. "Nhận thấy đa số các hộ đều từ các tỉnh đến, làm ăn chân chính, hoàn cảnh khó khăn, địa phương rất cảm thông. Thế nhưng, do việc xây dựng trên đất nông nghiệp, không đúng quy định pháp luật nên UBND huyện yêu cầu địa phương phải thực hiện theo đúng quy định" - chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B chia sẻ.
Liên quan đến vụ việc trên, UBND huyện Bình Chánh đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để làm rõ hành vi vi phạm các quy định về sử dụng đất đai… của chủ đầu tư. "Theo chỉ đạo của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP HCM, huyện Bình Chánh đang rà soát, xử lý, khắc phục các trường hợp vi phạm xây dựng tương tự như trên với khoảng 66 trường hợp tại các xã Vĩnh Lộc B, Tân Nhựt, Bình Chánh, Vĩnh Lộc A" - đại diện UBND huyện Bình Chánh thông tin. Trước đó, liên quan các vi phạm đất đai, xây dựng trên địa bàn huyện Bình Chánh, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP HCM đã kiểm điểm nhiều đảng viên vi phạm, đồng thời yêu cầu Ban Thường vụ Huyện ủy Bình Chánh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm về sử dụng đất đai, đặc biệt là xây dựng không phép, trái phép. Công an huyện Bình Chánh cũng đang củng cố hồ sơ khởi tố bị can đối với một số cán bộ có liên quan.
Khu dân cư tự phát với 70 hộ dân đang sinh sống
Trước những diễn biến trên, các hộ dân ở khu dân cư tự phát đặt câu hỏi: Nếu phải tiến hành tháo dỡ thì ai sẽ chịu trách nhiệm đền bù? Cán bộ liên quan đến lĩnh vực xây dựng sẽ chịu trách nhiệm gì trong việc "không thấy" cả khu dân cư xây dựng không phép trong suốt thời gian dài?
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại Luật gia Việt Nam, cho rằng: Quy định tại khoản 1 điều 5 Nghị định 71/2010/NĐ-CP ngày 23-6-2010 hướng dẫn Luật Nhà ở thì trước khi đầu tư xây dựng nhà ở (bao gồm cả nhà ở được xây dựng trong khu đô thị mới), chủ đầu tư phải đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận đầu tư, tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt dự án phát triển nhà ở… Ở đây, chủ đầu tư đã tự ý "vẽ ra" dự án và phân lô bán nền cho người dân khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận đầu tư và phê duyệt. Đây là một hành vi vi phạm pháp luật và cần phải được xử lý để bảo vệ quyền lợi cho người dân.
Về phía cơ quan nhà nước, trong hoạt động đầu tư xây dựng nhà ở, nhiệm vụ chính thuộc về UBND cấp tỉnh, phải thanh tra, kiểm tra dự án, xử lý vi phạm, thu hồi, đình chỉ, tạm dừng, điều chỉnh và cho phép chuyển nhượng theo quy định pháp luật. Bên cạnh đó, cơ quan gần dân nhất là UBND xã, phường đáng lẽ phải giám sát và tham mưu cho UBND cấp trên để kịp thời xử lý nhưng các đơn vị này không sâu sát, chính vì vậy tạo lỗ hổng để các trường hợp như trên còn tồn tại. Việc này cũng cần xem xét trách nhiệm một cách cụ thể.
Nạn nhân nên trình báo vụ việc lên công an
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, người dân nên trình báo sự việc đến cơ quan công an có thẩm quyền để làm rõ nội dung vụ việc, đồng thời cung cấp toàn bộ giấy tờ liên quan để cơ quan công an có cơ sở xác minh hành vi vi phạm của chủ đầu tư.
Nếu cơ quan công an xác định hành vi vi phạm của chủ đầu tư là có cơ sở, người dân có quyền yêu cầu ông Nguyễn Thanh Lâm bồi thường thiệt hại từ hành vi vi phạm pháp luật nêu trên.
|
theo CafeLand