Alomuabannhadat – Không ít người thuê nhà than thở, thậm chí trách móc chủ nhà đã không giảm giá thuê trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Song ở chiều ngược lại, những người cho thuê nhà cho biết họ cũng đang khổ tâm vì không thể giảm tiền thuê bởi họ cũng khó khăn không kém.
Tiền nhà trở thành gánh nặng với nhiều người trong mùa dịch Covid - 19. (Ảnh minh hoạ)
Những cảm xúc trái ngược
Dịch bệnh Covid-19 đang thực sự là cơn ác mộng với nhiều người lao động. Không ít người bị cắt giảm lương, giảm giờ làm thậm chí là thất nghiệp trong những tháng qua.
Đặc biệt, với những người làm công nhân, những người có thu nhập thấp thì khó khăn càng tăng gấp bội. Bênh cạnh phải lo chạy bữa ăn hàng ngày, họ còn đối mặt với khoản tiền thuê nhà mỗi tháng.
Những lúc gian nan cũng là khi mà tình người được soi sáng rõ nhất. Không ít câu chuyện cảm động về sự chia sẻ khó khăn giữa chủ nhà và người thuê được lan truyền thời gian qua.
Tại nhiều dãy nhà trọ ở thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương, chủ nhà đã quyết định giảm 30-50% tiền thuê nhà trong vòng hai tháng. Thậm chí, có chủ nhà còn cho người thuê ở miễn phí trong những tháng này.
Hình ảnh nhiều chủ nhà trọ không những miễn giảm tiền nhà mà còn chuẩn bị sẵn những “gói cứu trợ” như gạo, mì tôm để tiếp sức cho người lao động trong giai đoạn khó khăn khiến ai cũng ấm lòng.
Trang, một nhân viên văn phòng tại TP.HCM, đang thuê một căn nhà tại khu vực Thanh Đa, quận Bình Thạnh với giá 6 triệu đồng mỗi tháng. Một buổi tối cuối tuần qua, cô nhận được tin nhắn từ anh chủ nhà thông báo sẽ giảm 1 triệu tiền thuê để chia sẻ khó khăn do dịch bệnh.
“Dù số tiền không quá lớn, nhưng sự quan tâm của chủ nhà khiến mình thấy rất vui”, Trang nói.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có được sự chia sẻ từ chủ nhà như vậy. Đã có không ít người bị mất việc làm buộc phải chọn cách về quê vì không thể kham nổi khoản tiền nhà hàng tháng.
Mới đây, trên mạng xã hội chia sẻ rầm rộ clip một cô gái và chủ nhà tranh cãi liên quan đến việc thuê nhà. Cụ thể, do cô gái chậm trả tiền thuê nhà bảy ngày nên chủ nhà không tiếp tục cho thuê nữa. Cô gái viện dẫn lý do chậm là ảnh hưởng của dịch bệnh khiến công việc khó khăn, thu nhập giảm sút.
Chưa biết ai đúng ai sai trong câu chuyện này, song nhiều bình luận bênh vực cô gái và trách cứ thái độ vô lương tâm của chủ nhà.
Ai cũng khó
Vợ chồng anh Hùng đang thuê một căn nhà liền kề tại quận 2, TP.HCM với giá gần 7 triệu đồng mỗi tháng. Trước đây, với công việc ổn định và thu nhập hàng tháng đều đặn, vợ chồng anh không quá nặng gánh về khoản tiền này.
Tuy nhiên, những tháng gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công việc của vợ chồng anh không còn suôn sẻ như trước. Vợ anh Hùng làm giáo viên nên nghỉ dài hạn chưa biết khi nào mới đi làm lại. Anh may mắn vẫn có việc làm nhưng cũng phải cắt giảm một phần lương so với trước đây.
Dãy nhà của anh Hùng gồm bốn căn, mỗi căn cho thuê 7 triệu đồng, tính ra mỗi tháng chủ nhà có thu nhập 28 triệu đồng. Bà chủ ở nơi khác, đến tháng chỉ cần nhắn tin số điện nước rồi chuyển tiền qua thẻ nên chủ và khách rất ít khi gặp nhau.
Hùng cũng dự tính sẽ gọi điện cho bà chủ đề trình bày về tình cảnh hiện tại mong được giảm bớt một phần nào đó tiền nhà. Song đắn đo mãi anh chỉ dám soạn “tâm thư” nhắn tin cho chủ nhà.
Sau một hồi anh nhận được tin nhắn của chủ nhà. Đó là một dòng tin nhắn dài với những lời lẽ rất lịch sự, nhẹ nhàng. Chủ nhà cho biết, không phải bà không nghĩ tới chuyện này, bà cũng rất khổ tâm vì không san sẻ khó khăn được với người thuê.
Bà chủ nhà cho biết, để có tiền xây dãy nhà cho thuê này, bà đang gánh khoản nợ 1,5 tỉ đồng vay ngân hàng. Giờ dịch bệnh, bà cũng phải nghỉ việc ở công ty, hàng tháng lại phải gánh mấy chục triệu tiền lãi gốc vay ngân hàng.
“Con thông cảm cho cô. Cố gắng hết tháng này rồi tháng sau cô tính”, lời nhắn của chủ nhà.
Đọc xong tin nhắn, Hùng không buồn cũng không còn trách móc như trước đây. Anh cảm thấy mình may mắn hơn cô chủ nhà vì không phải vay ngân hàng trong giai đoạn này.
“Dịch bệnh gây khó khăn cho tất cả mọi người và ai cũng có có khăn riêng của mình, nên thay vì chỉ nghĩ đến bản thân thì cần thấu hiểu và chia sẻ với nhau”, anh Hùng nói,
theo CafeLand