Theo Diễn đàn kinh tế thế giới, sự vươn lên của nền kinh tế Việt Nam đến từ ba
yếu tố chính: Đầu tiên, Việt Nam đã chấp nhận tự do hóa thương mại. Thứ hai,
nước ta đã bổ sung cho tự do hóa bên ngoài với các cải cách trong nước thông qua
việc bãi bỏ một số quy định và giảm chi phí kinh doanh. Cuối cùng, Việt Nam đã
đầu tư rất nhiều vào nguồn vốn nhân lực, chủ yếu thông qua các khoản đầu tư công.
Kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển nhanh chóng với tốc độ tăng trưởng kinh
tế hiện nay rơi vào khoảng 7%, con số này thậm chí cao hơn cả Trung Quốc. Điều
này được thúc đẩy bởi sự tự do hóa thương mại, bãi bỏ một số quy định trong nước
và đầu tư vào vốn nguồn vốn nhân lực. Báo cáo từ Standard Chartered dự đoán
GDP của Việt Nam thậm chí sẽ vượt mốc 10.000 USD/người vào năm 2030.
Trong khi hầu hết các quốc gia trên thế giới đang vật lộn với khó khăn do Covid-19
gây ra, Việt Nam trở thành điểm sáng hiếm hoi trên bản đồ kinh tế toàn cầu. Chuỗi
cung ứng của nước ta bị ảnh hưởng một cách không đáng kể. Nhu cầu đối với hàng
hóa sản xuất cũng đang tăng lên.
Ngay cả trước khi đại dịch bùng phát, nhiều công ty cũng đã chuyển địa điểm nhà
máy từ Trung Quốc sang Viêt Nam. Với lực lượng lao động dồi dào, có tay nghề
tốt và mức giá rẻ, Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng của nhiều tập đoàn. “Việt
Nam có những sinh viên khoa học giỏi nhất thế giới”, kỹ sư Neil Fraser của Google
thậm chí đã phát biểu như vậy,
Trong giai đoạn 2008-2018, GDP của Việt Nam đạt mức tăng trưởng trung bình
hàng năm là 6,07%, với mức cao nhất là 7,1% trong năm 2018. Tỷ lệ lạm phát ổn
định ở mức 3,54% và tỷ lệ thất nghiệp cũng chỉ rơi vào mức 2,2% trong năm 2018,
thuộc nhóm thấp nhất thế giới theo IMF. Việt Nam đã nổi lên như một trong những
điểm đến ưa thích của các doanh nghiệp FDI ở Đông Nam Á với dòng vốn FDI đạt
19,5 tỷ USD vào năm 2018.
Ngoài ra, chi phí sản xuất tại Việt Nam vẫn ở mức cạnh tranh cao. Điều quan trọng
là Việt Nam có vị trí chiến lược quan trọng cũng như thường xuyên mở rộng quan
hệ với các cường quốc trên thé giới như Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, Nga, EU và Mỹ.
Trong đợt đại dịch vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã quyên góp vật tư y tế trị giá
tổng cộng 420.000 USD cho tám quốc gia ở Đông Nam Á, Nam Á và Nam Thái
Bình Dương. Đầu tháng 4, Việt Nam đã chuyển gần 500.000 bộ quần áo bảo hộ
sang Mỹ. Điều này khiến Việt Nam nhận được sự đánh giá cao từ các nước khác.
Thành công của nền kinh tế Việt Nam là kết quả của việc cung cấp các điều kiện
kinh tế vĩ mô và thể chế phù hợp cho đầu tư. Nhìn chung, đất nước thuộc khu vực
Đông Nam Á này đã cung cấp các phương tiện cần thiết để kinh doanh. Việt Nam
tập trung cải thiện cơ sở hạ tầng cũng như viễn thông và năng lượng. Điều này đã
đặt nền tảng cho sự tăng trưởng trong tương lai.
Ngoài ra, nước ta cũng đang thực hiện các bước để phát triển đào tạo kỹ năng. Sự
đổi mới cũng được kích thích với dòng vốn FDI đáng kể. Năng suất tăng với tốc độ
rất nhanh, khoảng 36% từ năm 2006 đến 2017. Sự ổn định trong chính trị đi cùng
với các chính sách hợp lý cho phép các công ty nước ngoài mở doanh nghiệp tại
Việt Nam, qua đó thu hút đáng kể các nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, nước ta
cũng tăng ngân sách giáo dục, tăng cường hội nhập thương mại và cải thiện thể chế
và chính sách.
Việt Nam đã thực hiện các biện pháp cần thiết để đối phó với cuộc khủng hoảng do
đại dịch Covi-19 gây ra. Chính phủ đã đưa ra gói hỗ trợ tín dụng khoảng 10,8 tỷ
USD vào đầu tháng 3, bao gồm các chính sách cơ cấu lại các điều khoản cho vay
và giảm lãi suất cũng như chi phí. Ngoài ra, chính phủ cũng đã cung cấp hai gói hỗ
trợ ngân sách trị giá 1,3 tỷ USD, bao gồm việc giảm thuế và phí cho các công ty bị
ảnh hưởng bởi virus corona và lùi thời gian nộp thuế. Điều này đã giúp các công ty
vượt qua khủng hoảng.
Trong giai đoạn tới, Việt Nam đang đứng trước một số cơ hội để phát triển kinh tế.
Nước ta hoàn toàn có khả năng vượt mặt Trung Quốc về tốc độ tăng trưởng hậu
Covid-19. Luật an ninh mới ở Hồng Kông đã khiến một số công ty chuyển đến các
địa điểm tốt hơn, và Việt Nam là một điểm đến hết sức tiềm năng. Ngoài ra, Việt
Nam có một số hiệp định đa phương và song phương với những quốc gia khác có
thể được tận dụng.
Tuy nhiên, sẽ có một số thách thức mà nước ta cần phải giải quyết. Ba điều quan
trọng nhất cần được chú ý hiện tại bao gồm tăng cường đầu tư, đào tạo lực lượng
lao động lành nghề, và phát triển cơ sở hạ tầng để tăng tính kết nối giữa các thị
trường. Các công ty nước ngoài nên được đảm bảo các quyền lợi về mặt pháp lý
nếu cần. Điều này sẽ giúp họ cảm thấy tự tin và yên tâm hơn khi đầu tư.
Ngoài ra, các cơ sở đào tạo nghề cần tăng cường chất lượng giảng dạy, nỗ lực để
cung cấp một lực lượng lao động trẻ dồi dào có tay nghề cao. Bên cạnh đó, Việt
Nam cũng cần thông qua việc hợp tác với các quốc gia khác, đảm bảo sự kết nối an
toàn và hiệu quả để cung cấp hàng hóa cho thị trường cũng là thứ cần được đặc biệt
chú ý.
Bất chấp đại dịch Covid-19, Việt Nam được dự báo là một trong những nền kinh tế
tăng trưởng nhanh nhất ở Đông Nam Á. Theo báo cáo từ ADB’s Asian
Development Outlook 2020 được công bố vào ngày 3 tháng 4 năm 2020, mức tăng
trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ giảm mạnh xuống 4,8% trong năm 2020 nhưng sẽ
tăng lên tới 6,8% vào năm 2021, với điều kiện là đại dịch sẽ được kiểm soát. Triển
vọng là rất tươi sáng. Ngay cả sự tăng trưởng kinh tế hiện tại của Việt Nam cũng
cao hơn Trung Quốc. Câu chuyện về nền kinh tế Việt Nam thậm chí được một số tờ
báo gọi là “phép lạ”.
theo CafeLand