Alomuabannhadat - Không chỉ bị cổ đông lớn tấn công, mới đây một số thông tin được tiết lộ còn cho thấy những xung đột trong nội bộ của Coteccons cũng khá gay gắt. Cụ thể, Ban kiểm soát của Coteccons đã làm đơn kiến nghị gửi cơ quan chức năng, tố cáo một số hành động được cho là trái luật pháp và điều lệ công ty của ban lãnh đạo Coteccons.
Ban kiểm soát tố Ban điều hành
Theo thông tin chúng tôi nhận được, ngày 5/6/2020), ông Luis Fernando Garcia Agraz - Trưởng Ban kiểm soát Conteccons đã gửi Công văn số 02/2020/CV-BKS (Công văn) đến đến Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh tố ban lãnh đạo Coteccons đã vi phạm hàng loạt các quy định, trong đó có việc, cắt xén, chỉnh sửa sai sự thật trong báo cáo của Ban kiểm soát.
Trong báo cáo có đoạn viết, ngày 22/01/2020, Ban kiểm soát (BKS) đã soạn và gửi cho thư ký Hội đồng quản trị (HĐQT) bản báo cáo quản trị công ty phần của BKS. Tuy nhiên, trong báo cáo của HĐQT công bố vào ngày 30/1/2020 thì phần báo cáo của BKS đã bị chỉnh sửa, cắt bỏ, thậm chí là trái ngược với báo cáo gốc của BKS.
Cụ thể, ông Nguyễn Sỹ Công - Tổng giám đốc Coteccons đã ký công bố thông tin về Báo cáo thường niên năm 2019, trong đó phần báo cáo của BKS hoàn toàn khác với bản báo cáo do BKS soạn thảo ngày 5/5/2020 và đã gửi lên HĐQT.
Trong Công văn có đoạn viết, “Tôi khẳng định Ban điều hành Coteccons đã không công bố trung thực, chính xác, nghiêm trọng hơn Ban điều hành còn mạo danh BKS để soạn thảo toàn bộ phần báo cáo của BKS trong báo cáo thường niên năm 2019. Đây là hành động vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin của Ban điều hành và người đại diện pháp luật, vi phạm quyền được tiếp cận thông tin của các cổ đông vào nhà đầu tư, vi phạm pháp luật nghiêm trọng, theo quy định của Thông tư 155 của Bộ Tài chính”.
Cũng theo báo cáo nêu trên, có 8 nội dung mà ban lãnh đạo Coteccons đã cắt xén, chỉnh sửa trong báo cáo của BKS để không công bố cho cổ đông. BKS Coteccons cho rằng đó là những nội dung thể hiện sự lũng đoạn của ban lãnh đạo, thành lập hàng loạt công ty khác nhau và sở hữu chéo, trong đó đưa người nhà và người của Coteccons sở hữu cổ phần nhưng không công bố theo quy định của pháp luật, dẫn đến sự suy giảm quyền lợi của công ty cũng như quyền lợi của cổ đông.
Thêm vào đó, ngày 17/3/2020, BKS đã gửi công văn yêu cầu ban điều hành cung cấp thông tin để BKS rà soát báo cáo tài chính năm 2019 được kiểm toán bởi Công ty TNHH PwC Việt Nam, tuy nhiên ban điều hành từ chối. Tiếp theo, ngày 18/3/2020, theo giấy ủy quyền số 5221/2019/UQ-CTHĐQT của Chủ tịch HĐQT, Công ty luật Lê Nguyễn đã gửi email không công nhận vai trò của 2 thành viên BKS là ông Luis Fernando Garcia Agraz và ông Đặng Hoài Nam. Trước những diễn biến này, Ban kiểm soát Coteccons cho rằng đây là sự vi phạm và cản trở hoạt động của ban kiểm soát.
Đặc biệt, ngày 11/3/2020 Ban điều hành đã ban hành các quyết định điều chuyển, luân chuyển nhân sự của ban kiểm toán nội bộ trực thuộc BKS sang các bộ phận hoặc địa điểm làm việc khác mà không được sự đồng ý của BKS. Phản đối việc này, ngày 16/3/2020, BKS đã ban hành Nghị quyết số 03/2020/NQ-BKS yêu cầu ban điều hành hủy bỏ các quyết định sai trái và khôi phục hoạt động của Ban kiểm toán nội bộ. Tuy nhiên, cho đến nay, yêu cầu trên không được thực hiện.
Ngoài ra, BKS cũng cho rằng Ban điều hành công ty còn có những hành động có tính chất cản trở hoạt động của BKS. Cụ thể là, ngày 4/10/2019 BKS họp với ban điều hành công ty, yêu cầu cho phép kiểm toán viên độc lập thực hiện kiểm toán đặc biệt, theo yêu cầu của cổ đông nhưng bị ban điều hành từ chối mà không nêu rõ lý do. Tiếp đó, ngày 2/12/2019, BKS đã ban hành nghị quyết số 6/2019 đề nghị HĐQT tổ chức đại hội cổ đông bất thường, căn cứ theo điều 136.3(d) Luật doanh nghiệp nhưng không được phê chuẩn.
Lập công ty khác để cạnh tranh với Coteccons?
Cũng theo công văn gửi đến Sở giao dịch chứng khoán, BKS công ty cũng bày tỏ sự nghi ngờ Ban điều hành hiện tại của Coteccons lập một số doanh nghiệp cùng ngành nghề với Coteccons và nhiều người đang là lãnh đạo công ty hoặc người nhà của Chủ tịch Nguyễn Bá Dương là cổ đông sang lập. Những thông tin này không được công bố một cách đầy đủ.
Cụ thể, theo Công văn của BKS nêu rõ, Ông Nguyễn Bá Dương, hiện đang là chủ tịch HĐQT kiêm Đại diện theo pháp luật của Coteccons và đồng thời là cổ đông sáng lập của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Newtecons. Bà Huỳnh Thị Tuyết Ngọc, vợ ông Nguyễn Bá Dương, là cổ đông sáng lập của Công Ty Cổ Phần BM Windows với tỷ lệ sở hữu là 60%.
Ông Nguyễn Minh Hoàng, con ông Nguyễn Bá Dương là cổ đông sáng lập Công ty TNHH BOHO DECOR được thành lập ngày 05/08/2015 với với tỷ lệ góp vốn 40%, theo công bố nội dung đăng ký thành lập mới.
Ông Nguyễn Xuân Đạo, em của ông Nguyễn Bá Dương, tham gia vào các công ty khác nhau như cổ đông sáng lập của Newtecons, trước đây là FDC, với tỷ lệ sở hữu là 34%; cổ đông sáng lập của BM Windows, cổ đông sáng lập Công Ty Cổ Phần Vật liệu và Giải pháp Sol.
Ông Trần Quang Quân hiện đang là Phó Tổng giám đốc của Coteccons, có liên quan đến các công ty như cổ đông sáng lập của Newtecons, chủ tịch HĐQT và người đại diện pháp luật của Công Ty Cổ Phần Đầu Tư Xây Dựng Ricons. Ông Ngô Thanh Phong, hiện đang là Chánh văn phòng tại Coteccons, là cổ đông sáng lập của BM Windows với tỷ lệ sở hữu là 10%.
Báo cáo của Ban kiểm soát cho rằng các công ty trên cùng ngành nghề với Coteccons, trong đó có một số là đối thủ cạnh tranh của Coteccons. Tuy nhiên, theo biên bản họp và Nghị quyết, trong đại hội cổ đông kể từ năm 2015 và các năm tiếp theo tiếp theo cũng như trong các báo cáo thường niên, báo cáo quản trị công ty và các tài liệu công bố thông tin của công ty, Coteccons không có công bố tỷ lệ sở hữu của ông Dương và ông Quân, các cán bộ quản lý của công ty và những người trong gia đình tại các công ty nói trên. Điều này đã vi phạm quy định công khai lợi ích có liên quan tại Điều 159 Luật doanh nghiệp năm 2014, điều 24 và điều 32 Nghị định 71/NĐ-CP.
Được biết, trước đó sau khi thông cáo báo chí của cổ đông lớn Kusto cáo buộc ban lãnh đạo Coteccons thì ban lãnh đạo Coteccons cũng đã có văn bản “phản pháo”. Theo đó, Ban lãnh đạo Coteccons cho rằng những cáo buộc Kusto là vô căn cứ và đã gây tác động tiêu cực đến các cổ đông khác, giá cổ phiếu và hoạt động sản xuất kinh doanh Công ty.
Lãnh đạo của Coteccons cũng cho rằng Ricons là một doanh nghiệp tiềm năng, có phân khúc khách hàng riêng và đội ngũ nhân sự chất lượng và đồng thời khẳng định việc vu cáo Ban lãnh đạo Coteccons tập trung nguồn lực cho Ricons là hoàn toàn không có căn cứ.
Như vậy, với công văn, biên bản họp và Nghị quyết của Ban kiểm soát mới được công bố cho thấy cuộc chiến trong nội bộ, cổ đông lớn với Ban lãnh đạo hiện nay của Coteccons ngày càng gây cấn. Nhiều người cho rằng với việc nắm giữ cổ phần lớn thì nhóm cổ đông lớn sẽ có nhiều ưu thế trong cuộc chiến này. Đúng sai chưa rõ nhưng cuộc chiến này nhưng nó đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá cổ phiếu và hoạt động bình thường của công ty.
theo CafeLand