Tranh chấp liên quan đến khoản tiền này ngày càng gay gắt và bùng phát khi nó đang là miếng mồi béo bở để các bên xâu xé.
Chung cư đang phát triển nhanh tại các đô thị lớn. Quỹ bảo trì chung cư cũng làm phát sinh các tranh chấp về quản lý sử dụng. ẢNH: ĐỘC LẬP
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, có 11 địa phương có tranh chấp, khiếu nại liên quan đến công tác quản lý vận hành chung cư; chủ yếu xảy ra tại Hà Nội và TP.HCM với tổng số 458 tranh chấp, khiếu nại. Trong đó có 68 tranh chấp về quỹ bảo trì chung cư 2%.
Tranh chấp liên quan đến khoản tiền này ngày càng gay gắt và bùng phát khi nó đang là miếng mồi béo bở để các bên xâu xé.
Giao về công ty công ích
Giao công ty dịch vụ công ích thu, quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư là khả thi. Bởi sau khi hết số tiền này, nhà nước phải có trách nhiệm bảo trì, sửa chữa các hư hỏng. (Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM)
Tại nhiều dự án, quỹ bảo trì 2% có khi lên đến cả trăm tỉ đồng khiến chủ đầu tư không muốn bàn giao cho cư dân. Trong khi đó hiện nay nhiều người mua nhà đang tìm mọi cách có chân trong ban quản trị (BQT) để quản lý, kiếm lợi, thậm chí tìm cách xà xẻo quỹ này.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cho rằng việc quy định 2% phí bảo trì chung cư là cần thiết. Tuy nhiên, do việc vận hành, sử dụng có nhiều vấn đề đã gây phát sinh tranh chấp khoản kinh phí này. Đồng thời quy định thời điểm đóng kinh phí bảo trì 2% từ khi mới bắt đầu ký hợp đồng mua căn hộ là không hợp lý, tạo thêm gánh nặng cho người mua nhà. Bởi lẽ, tại thời điểm đóng kinh phí bảo trì thì nhà thầu thi công vẫn còn trách nhiệm bảo hành nhà chung cư, thông thường khoảng 5 năm. Do vậy, khoản kinh phí này nên đóng tại thời điểm hội nghị nhà chung cư đã bầu BQT. Khoản tiền này được chia đều trong 60 tháng, nộp vào tài khoản tiền gửi ngân hàng của BQT chung cư hoặc công ty dịch vụ công ích thu, quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư trên địa bàn, dưới sự giám sát của BQT nhà chung cư.
“Một vấn đề cần xem xét kỹ là quỹ bảo trì chung cư 2% rồi cũng sẽ được sử dụng hết trong khoảng 15 - 20 năm. Sau đó, theo quy định của pháp luật, các chủ sở hữu chung cư sẽ tiếp tục bỏ tiền bảo trì chung cư để đảm bảo an toàn và chất lượng sống. Tuy nhiên, việc huy động tiền của các hộ dân chắc chắn rất khó. Điển hình là 474 chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975 tại TP.HCM hiện nay nhà nước đang dùng ngân sách để thực hiện công tác bảo trì và đang thực hiện chương trình cải tạo, xây dựng lại để tái định cư cho các hộ dân. Do vậy, giải pháp giao công ty dịch vụ công ích thu, quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư là khả thi. Bởi sau khi hết số tiền này, nhà nước phải có trách nhiệm bảo trì, sửa chữa các hư hỏng”, ông Châu kiến nghị.
Trong khi đó, mới đây UBND TP.HCM đã kiến nghị trung ương về lâu dài bỏ cơ chế giao chủ đầu tư thu kinh phí bảo trì 2% như hiện nay. Thay vào đó, việc hình thành quỹ bảo trì của từng chung cư sẽ do BQT chung cư thu của người dân trong quá trình quản lý, sử dụng theo tỷ lệ phần trăm do hội nghị nhà chung cư quyết định.
Hai mô hình quản lý
Để quản lý tốt chung cư, quỹ bảo trì chung cư, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu theo hướng quy định bổ sung 2 mô hình quản lý nhà chung cư để người dân lựa chọn phù hợp điều kiện thực tế của từng chung cư. Thứ nhất là mô hình chủ đầu tư là đơn vị thu, quản lý quỹ bảo trì và trực tiếp quản lý vận hành nhà chung cư. Thứ hai là mô hình các doanh nghiệp quản lý, vận hành chung cư chuyên nghiệp sẽ thực hiện việc quản lý, vận hành các tòa nhà chung cư. Người dân trong chung cư sẽ tự họp bàn, quyết định lựa chọn trong 2 mô hình này để triển khai cho phù hợp.
Trong một phiên giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà khẳng định, quy định pháp luật là rõ ràng, vấn đề là do tổ chức thực hiện. Qua kiểm tra giám sát, nhiều BQT không có trình độ năng lực, đây là vấn đề hết sức khó khăn. Trong khi đó, quy định của pháp luật hiện nay là giao chủ đầu tư thu khoản tiền này. Tuy nhiên, sau khi thu xong, có vướng mắc là chủ đầu tư chậm, không bàn giao hoặc bàn giao thiếu kinh phí bảo trì. Do đó, trong thời gian tới phải xử lý nghiêm khắc đối với tình trạng này.
Cũng theo Bộ trưởng Hà, cần làm tốt hơn, công khai, minh bạch hơn nữa trong quá trình thực hiện quản lý nhà nước về quản lý vận hành nhà chung cư, trong đó có quản lý sử dụng quỹ bảo trì. Nếu công khai, minh bạch sẽ hạn chế tranh chấp.
theo CafeLand