Người dân thôn Sông Ngân hàng ngày lo lắng, bất an vì phải sống trong những ngôi nhà cấp 4 nứt tường, vỡ mái và nguồn nước sinh hoạt không đảm bảo.
Thôn tái định cư Sông Ngân, xã Linh Thượng, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị thành lập cách đây 3 năm nhưng đến nay hầu hết những ngôi nhà tại đây đều bị hư hỏng nghiêm trọng, hoặc bỏ hoang không người ở.
Người dân thôn Sông Ngân hằng ngày lo lắng, bất an vì phải sống trong những ngôi nhà cấp 4 nứt tường, vỡ mái và nguồn nước sinh hoạt không đảm bảo.
Nhà ở của các hộ dân tại tái định cư Sông Ngân xuống cấp nghiêm trọng.
Nhà dân ở thôn tái định cư Sông Ngân phần lớn là những ngôi nhà đơn sơ, tạm bợ, thậm chí không có cửa, bỏ hoang hoặc làm nơi trú ngụ cho trâu, bò.
Chị Nguyễn Thị Bông ở thôn Sông Ngân, xã Linh Thượng, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị cho biết, gia đình chị được vận động lên đây lập nghiệp cùng nhiều hộ dân khác.
Với mức hỗ trợ 15 triệu đồng, gia đình chỉ đủ dựng một ngôi nhà tường không tô (trát), lợp bằng tấm fibro xi-măng. Nhà ở tạm bợ, mỗi lần mưa bão cả nhà nơm nớp lo sợ. Nơi đây lại thiếu nước sinh hoạt nên nhiều hộ bỏ về nơi ở cũ.
“Ở đây chúng tôi cũng rất vất vả. Bởi vì chuyện nhà cửa, nghèo khổ. Mùa mưa bão thì gia đình ra trường mẫu giáo để ở. Mong được hỗ trợ cho cái nhà để giúp dân bản chúng tôi ở cho yên ổn”, Chị Nguyễn Thị Bông cho biết.
Nhiều hộ dân tại tái định cư Sông Ngân bỏ hoang nhà để về nơi cũ.
Trong số 50 ngôi nhà tại thôn Sông Ngân chỉ có 4 nhà cấp 4 tương đối vững chãi do người dân tự bỏ tiền ra xây dựng. Còn những ngôi nhà nằm trong dự án đều đã hỏng, xuống cấp trầm trọng. Các giếng đào cũng bị nhiễm phèn nặng, mùa hè thì khô cạn, cuộc sống bà con rất khó khăn.
Ông Hồ Văn Ba, Phó Chủ tịch UBND xã Linh Thượng, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị cho biết, hiện các hộ dân trong thôn Sông Ngân vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 5 gia đình bỏ về quê cũ sinh sống, chỉ đến mùa vụ mới lên canh tác.
Theo ông Hồ Văn Ba, địa phương đã kiến nghị với cấp trên hỗ trợ kinh phí giúp người dân tu sửa nhà cửa nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Thôn tái định cư Sông Ngân.
“Thôn Sông Ngân được thành lập từ tháng 12 năm 2015, từ đó đến nay có 50 hộ, đến nay nhà cửa xuống cấp, hoàn cảnh bà con khó khăn. Xin đề nghị Nhà nước quan tâm hỗ trợ giúp đỡ bà con tu sửa lại nhà cửa”, ông Hồ Văn Ba nói.
Dự án định canh định cư tập trung khu vực Sông Ngân, xã Linh Thượng, huyện Gio Linh do Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị làm chủ đầu tư. Năm 2011, các hạng mục điện, đường, trường, trạm…được chính quyền địa phương xây dựng để đón các hộ dân là người đồng bào Vân Kiều đến sinh sống.
Mỗi hộ dân được cấp nhà, đất ở, đất sản xuất…3 năm qua, người dân tái định cư Sông Ngân vẫn chưa thể an cư lạc nghiệp.
Ông Lê Văn Quyền, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị cho biết, dự án chỉ hỗ trợ mỗi hộ tái định cư 15 triệu đồng để làm nhà ở, còn lại người dân phải tự bỏ thêm tiền để hoàn thiện nhà.
“Nhìn vào đó thấy nhà của họ có vẻ tềnh toàng nhưng nhà đó trước đây dự án chỉ hỗ trợ 15 triệu đồng. Ngày trước dự án này được giao cho Ban Dân tộc tỉnh làm chủ đầu tư và giao cho UBND xã thỏa thuận với dân.
Nếu chỗ đó so với những làng tái định cư khác thì ở đây có ruộng nước, có đất trồng rừng thì không có lý do gì mà không ở. Nhưng cơ bản cần đổi mới cách làm ăn của họ.
Trao đổi nhiều lần với xã vận động dân đất đai, nhà cửa chỉ có nhiêu đó thì ở đó ổn định, muốn có thêm đất cũng không thể có nhiều được”, ông Lê Văn Quyền phân bua./.
theo CafeLand