Nan giải bài toán quản lý chung cư

Việc phát triển quá nhanh chung cư đã phát sinh mâu thuẫn giữa chủ đầu tư với cư dân các tòa nhà, trong đó việc quản lý, sử dụng quỹ bảo trì nhà chung cư được xem là khó giải quyết nhất

Tranh chấp về quản lý chung cư ở Hà Nội thời gian qua xảy ra liên tục nhưng không được giải quyết triệt để. Hiện TP Hà Nội đang lấy ý kiến để ban hành quy định riêng về quản lý chung cư, tránh bất cập trong việc giao cho chủ đầu tư hay ban quản trị.

Tranh chấp liên miên

Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Hà Nội, những năm gần đây, các công trình nhà chung cư cao tầng phát triển mạnh mẽ tại Hà Nội. Tính đến hết năm 2018, trên địa bàn TP Hà Nội, có gần 700 cụm, tòa nhà chung cư thương mại, tái định cư được đưa vào sử dụng, trong tổng số trên 1.950 cụm, tòa nhà chung cư trên cả nước.

Tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư tại nhiều chung cư ở Hà Nội diễn ra liên tục trong thời gian dài nhưng không được giải quyết triệt để

Số liệu tổng hợp từ Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, tính đến hết năm 2018 trên địa bàn TP mới có 454/697 chung cư có ban quản trị. Riêng với chung cư tái định cư, mới có 73/168 tòa nhà có ban quản trị và chỉ có 31/73 tòa nhà bàn giao phí bảo trì 2%. Ngoài ra, những tranh chấp còn xảy ra do những nguyên nhân về quy hoạch, ranh giới không gian xung quanh không được xác định rõ trong quy hoạch tổng mặt bằng, sai thiết kế, thiếu diện tích...

Đại diện ban quản trị một chung cư trên địa bàn quận Long Biên cho hay tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư rất nhiều, tuy nhiên nhiều chủ đầu tư không muốn thành lập ban quản trị vì nếu thành lập thì chủ đầu tư phải bàn giao quỹ bảo trì (2%). Với các chung cư lớn, quỹ này lên đến hàng trăm tỉ đồng.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, cho rằng trước khi Luật Nhà ở năm 2005 có hiệu lực, việc quản lý, vận hành nhà chung cư được giao cho chủ đầu tư và kinh phí được lấy từ việc kinh doanh tầng một tòa nhà. Mô hình này có nhiều khiếm khuyết do việc độc quyền của chủ đầu tư. Khi luật có hiệu lực, tham khảo mô hình của nhiều nước, Bộ Xây dựng ban hành quy định quản lý, vận hành nhà chung cư, trong đó có mô hình ban quản trị và quỹ bảo trì 2%.

Nhưng quy định này cũng bất cập, hiện nhiều chung cư xảy ra tranh chấp về thành lập ban quản trị, diện tích chung - riêng, quỹ bảo trì. Có trường hợp, sau khi ban quản trị được thành lập, chủ đầu tư bàn giao quỹ nhưng hai bên không thống nhất việc quyết toán số tiền chủ đầu tư đã chi, từ đó nảy sinh khiếu kiện. Nhiều trường hợp cư dân yêu cầu chính quyền cưỡng chế, nhưng các cơ quan chức năng không có cơ sở số liệu để thực hiện.

Mất an ninh, trật tự

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cũng cho rằng những lỗ hổng trong quản lý nhà chung cư cần phải khắc phục, cùng với tăng cường quản lý là kiên quyết xử lý vi phạm. Để xử lý vi phạm, quản lý chung cư trong điều kiện hiện nay rất cần ứng dụng công nghệ mới như sử dụng phần mềm. Quản lý chung cư nếu không có giải pháp hữu hiệu sẽ dẫn đến nguy cơ bất ổn về an ninh xã hội.

Không chỉ tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư do bị "ôm" quỹ bảo trì, ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho biết tranh chấp còn xảy ra giữa cư dân và ban quản trị do không công khai, minh bạch trong quản lý quỹ bảo trì và vận hành, quản lý tòa nhà. Tranh chấp, khiếu kiện kéo dài tại nhiều chung cư đã dẫn đến những "điểm nóng" về an ninh trật tự khu vực.

KTS Đào Ngọc Nghiêm đưa ra 3 nhóm vấn đề cần giải quyết: Quản lý nhà chung cư phải cụ thể và chặt chẽ từ thiết kế công trình, phê duyệt dự án; nhận diện "lỗ hổng" của mô hình quản lý nhà chung cư hiện nay cũng như việc xử lý sai phạm; gắn trách nhiệm với chính quyền cơ sở để bảo đảm quyền lợi cho cư dân sống tại địa bàn.

Còn theo ông Đồng Minh Sơn, cố vấn Ban Chấp hành Hội Xây dựng TP Hà Nội, nên giao cho doanh nghiệp hoặc ban quản lý của nhà nước đảm trách mô hình quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư, có sự tham gia của đại diện dân cư, chủ đầu tư và cơ quan quản lý địa phương. 

Lần đầu thanh tra phí bảo trì chung cư

Theo kế hoạch thanh tra năm 2020 mới được Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà ký ban hành, tại Hà Nội có 16 dự án thuộc diện thanh tra về công tác quản lý sử dụng kinh phí bảo trì. Trong đó, một số vừa qua xảy ra tranh chấp như cụm chung cư Bắc Hà C14 (Tố Hữu, Nam Từ Liêm) do Công ty Tập đoàn Bắc Hà làm chủ đầu tư, khu nhà ở Trung Văn của Công ty CP Xây dựng số 3, chung cư tại khu đô thị Mỗ Lao (Hà Đông) của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Hoàng Thành...

Tại TP HCM, một loạt dự án cũng nằm trong danh sách này như chung cư Hoàng Anh River View do Công ty Hoàng Anh Gia Lai làm chủ đầu tư, chung cư Khánh Hội 2 do Công ty Đầu tư Dịch vụ Khánh Hội làm chủ đầu tư, chung cư Morning Start do Công ty Dịch vụ Xây dựng Địa ốc Xanh làm chủ đầu tư, chung cư Investco - Babylon do Công ty Xây dựng và phát triển Hồng Hà làm chủ đầu tư... Đây là lần đầu tiên công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì chung cư được đưa vào kế hoạch thanh tra của Bộ Xây dựng.

theo CafeLand

  • Facebook
  • Chia sẻ

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: info@alomuabannhadat.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Đọc thêm

Có nên mua bán, chuyển nhượng bất động sản trả chậm, trả dần
Những quy định về đấu giá bất động sản mới nhất
Điều kiện thành lập đơn vị kinh doanh dịch vụ bất động sản
Các thuật ngữ liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bất động sản
Kinh nghiệm pháp lý liên quan đến hợp đồng thuê văn phòng
Pháp lý về quyền sở hữu và thực thi chuyển giao quyền sở hữu
Hợp đồng chuyển nhượng đất đai và quyền sử dụng đất đai
Thông tin quan trọng cần lưu ý về hợp đồng mua bán nhà đất
Những điều cần biết về hợp đồng thuê đất 2022
Lưu ý về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất