Alomuabannhadat - Sổ hồng chung cư: Món nợ khó đòi; Từ 2020 sẽ có quy định mới về xây dựng tầng tum, tầng lửng; TP.HCM: Vẫn còn 20.000 căn hộ chưa được cấp sổ hồng; Những điều không nên bỏ qua khi mua nhà cũ; GDP bình quân tăng 25,4% sau khi đánh giá lại... là những thông tin nóng trong tuần qua.
Hình minh họa
Ít tiền mua nhà, phải đi đường vòng
Hiện nay, với số tiền vài trăm triệu đồng, có lẽ chẳng ai dám mơ sẽ có một căn nhà tại TPHCM. Tuy nhiên, nếu biết cách tính toán và chọn hình thức đầu tư phù hợp, giấc mơ ấy vẫn có khả năng thành hiện thực. Đổ tiền vào đất nền vùng ven để tích luỹ là một gợi ý.
Báo cáo thị trường bất động sản quý 3/2019 của Công ty cổ phần DKRA cho biết, trong năm năm qua, giá nhà đất tại TP.HCM tăng liên tục. Chẳng hạn vào năm 2015, giá căn hộ hạng C vào khoảng 16 triệu đồng/m2, nhưng nay đã lên 25 triệu đồng/m2. Với phân khúc đất nền thì mức tăng lại càng mạnh, một số một số khu vực tăng 200-300% so với cách đây năm năm.
Sổ hồng chung cư: Món nợ khó đòi
Bỏ ra hàng tỉ đồng để mua căn hộ, nhưng rất nhiều cư dân luôn trong tâm trạng như đang ở trọ, không thể giao dịch mua bán, thế chấp ngân hàng để vay vốn làm ăn bởi chủ đầu tư không chịu bàn giao giấy chứng nhận quyền sở hữu (sổ hồng) dù dự án đã bàn giao nhà cho cư dân nhiều năm.
Mới đây, rất nhiều cư dân tại chung cư Trương Đình Hội (quận 8, TP.HCM) đã phải treo băng rôn tại ban công căn hộ với nội dung yêu cầu chủ đầu tư bàn giao sổ hồng. Một cư dân tại đây cho biết, dự án đã bàn giao nhà từ năm 2013 nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện các thủ tục cần thiết để làm sổ hồng cho cư dân. Người dân muốn chuyển nhượng, thế chấp căn hộ vì mục đích cá nhân cũng gặp rất nhiều khó khăn
Từ 2020 sẽ có quy định mới về xây dựng tầng tum, tầng lửng
Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư 07/2019 về việc sửa đổi, bổ sung, thay thế một số quy định tại Thông tư số 03/2016 quy định về phân cấp công trình xây dựng và hướng dẫn áp dụng trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2020.
Theo đó, tại điều 1 Thông tư 07/2019 quy định rõ, đối với công trình có tầng tum không tính vào số tầng của công trình khi chỉ dùng để bao che lồng cầu thang bộ hoặc giếng thang máy, bao che các thiết bị công trình (nếu có), phục vụ mục đích lên mái và cứu nạn, có diện tích không vượt quá 30% diện tích của sàn mái.
GDP bình quân tăng 25,4% sau khi đánh giá lại
Quy mô GDP đánh giá lại của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành tăng bình quân 25,4%/năm giai đoạn 2010-2017, trong đó năm 2011 có tỷ lệ tăng cao nhất với 27,3% và năm 2015 có tỷ lệ tăng thấp nhất là 23,8%. Năm 2017, quy mô GDP sau khi đánh giá lại đạt gần 6,3 triệu tỷ đồng, tăng gần 1,3 triệu tỷ so với số liệu đã công bố.
Với tỷ lệ tăng 25,4% GDP, tổng giá trị của nền kinh tế đã tăng 935 nghìn tỷ đồng/năm. Trong đó, cả 3 lĩnh vực của kinh tế đều tăng sau khi đánh giá lại, trong đó quy mô khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng khá lớn.
Những điều không nên bỏ qua khi mua nhà cũ
Cần xem xét tình hình an ninh nơi dự định sinh sống. Bạn nên đến xem nhiều lần vào các khoảng thời gian trong ngày: sáng, chiều, tối và trong các điều kiện thời tiết khác nhau, giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng căn nhà cũng như tình trạng môi trường, giao thông quanh khu vực, để chắc chắn rằng bạn có thể thích nghi với ngôi nhà trong mọi thời điểm.
Ngoài ra, bạn cần tìm hiểu chi tiết các vấn đề liên quan xung quanh như quy hoạch chung của khu vực, an ninh trật tự, tiếng ồn, hàng xóm, điện nước, chợ búa, trường học… Tất cả các vấn đề này rất cần thiết, vì đây là các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của bạn và gia đình. Thực tế chỉ cần bỏ vài giờ đồng hồ để tham quan xung quanh cũng như trò chuyện cùng các cư dân ở đó bạn có thể nắm được toàn bộ thông tin.
TP.HCM: Vẫn còn 20.000 căn hộ chưa được cấp sổ hồng
TP.HCM đã cấp 62.000 giấy chứng nhận sở hữu căn hộ (sổ hồng) cho 194 dự án nhà ở và chung cư nhưng vẫn còn khoảng 20.000 căn hộ chưa được cấp sổ hồng.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, Thành phố hiện còn khoảng 15.000 trường hợp tồn đọng chưa được cấp Giấy chứng nhận. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu là do không đủ điều kiện cấp theo quy định pháp luật như: lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng trái phép; sử dụng đất sau thời điểm công bố quy hoạch nhưng nay không phù hợp quy hoạch; chuyển nhượng bằng giấy tay sau ngày 1/1/2008; vi phạm về đất đai, xây dựng chưa được xử lý; giấy tờ nguồn gốc đất không rõ ràng.
theo CafeLand