Quảng Ninh: Thu hồi đất có nhiều dấu hiệu bất thường, người dân bức xúc kêu cứu?

Người dân tại TP Hạ Long bức xúc về việc chính quyền thu hồi đất, phá dỡ nhà cửa, nhưng không bồi thường đất và tài sản gắn liền trên đất.

Chưa đền bù cho dân, nhưng đã phá dỡ nhà, không có phương án bồi thường thỏa đáng, thu hồi dưới 10m2 sẽ không đến bù và yêu cầu các hộ dân hiến đất.

Tuy nhiên đất thu hồi được người dân cho rằng có giá trị lên đến hàng chục triệu đồng/1m2, nên các hộ dân không đồng ý hiến đất cùng hàng loạt các bất cập khác trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng khiến cho hàng chục hộ dân sinh sống tại tổ 12, khu 4, phường Giếng Đáy, TP Hạ Long nằm trong diện thu hồi đất phục vụ dự án Đầu tư xây dựng công trình cải tạo chỉnh trang Quốc lộ 279 cũ, đoạn ngã tư Ao Cá đến ngã ba đường mới rẽ vào Hoàng Bồ vô cùng bức xúc.

Nhiều hộ dân bức xúc về việc chính quyền địa phương thu hồi đất nhưng không bồi thường và phá dỡ những tài sản gắn liền trên đất của người dân.

Đập phá nhà, cửa hàng không bồi thường

Mới đây, tòa soạn Phapluatplus.vn (Báo Pháp luật Việt Nam), nhận được nội dung đơn thư của các hộ dân sinh sống tại tổ 12, khu 4 phường Giếng Đáy, TP Hạ Long phản ánh những bức xúc liên quan đến những vấn đề nêu trên.

Theo như nội dung đơn thư nêu, sự việc thu hồi đất liên quan đến gần 20 hộ dân nằm trong diện thu hồi đất đề phục vụ dự án Đầu tư xây dựng công trình cải tạo chỉnh trang Quốc lộ 279 cũ, đoạn ngã tư Ao Cá đến ngã ba đường mới rẽ vào Hoàng Bồ.

Tuy nhiên, công tác bồi thường, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng tại khu vực này đang vấp phải sự phản ứng dữ dội của đông đảo các hộ dân bị thu hồi đất tại đây.

Nội dung đơn thư các hộ dân gửi tòa soạn Phapluatplus.vn.

Theo nội dung đơn thư: “Vào ngày 2/5/2019, UBND Thành phố Hạ Long, Tỉnh Quảng Ninh, có Thông báo về việc mở rộng đường 18A và đường 279 (nối liền với đường 18A) qua ngã tư ao cá, phường Giếng Đáy. Cụ thể vào khu dân cư tổ 12, khu 4, phường Giếng Đáy. Bước đầu dự án mở rộng ngã tư và 4 làn xe thuộc đường 279.

Các hộ dân chúng tôi đồng tình và có trách nhiệm thực hiện đúng quyết định của UBND Thành phố về công tác đền bù và tái định cư.

Nhưng trên cơ sở Thành phố phải làm đúng trình tự: Thực hiện đền bù đất ở đúng và đủ, sát với giá thực tế thị trường khu vực ở thời điểm hiện tại.

Nhưng thực tế đến nay, chúng tôi chưa được đền bù bất cứ một hạng mục nào từ đất đai cho đến tài sản gắn liền trên đất mà dự án vẫn yêu cầu nhân dân tháo dỡ nhà, cửa hàng và cho máy xúc đến san gạt nhà cửa của một số hộ dân ở ngã tư, rồi tiếp tục cuốc vào vỉa hè và sân của một số hộ dân nằm trên đường 279".

Các cơ sở vật chất gắn liền trên đất của người dân đã bị phá dỡ nhiều tháng nay.

“Công tác tháo dỡ nhà cửa của chúng tôi bắt đầu từ những ngày cuối tháng 4, đến ngày 20/07 thì việc tháo dỡ bị bỏ dở, không thực hiện.

Gần 3 tháng nay, mưa bão các hộ dân không được phép sửa lại nhà vì còn chờ dự án mở tiếp. Nên việc sinh hoạt và kinh doanh của chúng tôi vô cùng khó khăn. Cá biệt có hộ dân còn nhà nhưng phải để hoang, không thể ở và kinh doanh được nữa”, nội dung đơn trình bày.

Không đồng tình hiến đất

Tại buổi làm việc với phóng viên Phapluatplus.vn (Báo Pháp luật Việt Nam), ông Nguyễn Đức Yên (SN 1955), là nạn nhân chất độc da cảm, sức khỏe còn 61%, trú tại tổ 12, khu 4, phường Giếng Đáy TP Hạ Long, ông Yên từng chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên, ra quân năm 1976, là một trong những người đại diện cho các hộ dân nói lên tiếng nói xức xúc của mình về việc bồi thường, thu hồi đất tại đây.

Theo lời ông Yên: "Ngày 26/6/2019 chúng tôi nhận được Thông báo lần 2 đường 279 được mở rộng thêm là 6 làn đường, nhưng Ban dự án công bố vận động nhân dân hiến đất, tự động tháo dỡ công trình để giải phóng mặt bằng.

Cụ thể lấy vào đất ở của nhân dân dưới 10m² không được đền bù, không vào nhà chính không được đền bù... Trong khi đó, đất ở khu vực này hiện đang giao dịch trên hàng chục triệu đồng/m2, với giá trị tài sản như vậy mà kêu gọi chúng tôi hiến đất thì chúng tôi khó chấp nhận”.

Giấy tờ mua bán, chuyển nhượng đất đai của hộ gia đình ông Yên có xác nhận của chính quyền địa phương từ năm 1990.

Các hộ dân thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ nộp thuế sử dụng đất đối với Nhà nước.

Cùng quan điểm với ông Yên, ông Nguyễn Trung Tính (SN 1948), trú tại tổ 12, khu 4, phường Giếng Đáy cho hay “Thực tế nhân dân thuộc tổ 12 - khu 4, phường Giếng Đáy đã mua đất ở do UBND phường san gạt bán năm 1989, có giấy tờ mua bán, xác nhận của chính quyền địa phương, cũng như việc chuyển nhượng đất đai của các hộ dân từ năm 1989 đều có xác nhận của chình quyền”.

“Chúng tôi sử dụng diện tích đất đó ổn định từ thời điểm mua đến nay, không xảy ra bất cứ một tranh chấp, mâu thuẫn với cá nhân, tổ chức nào, đồng thời chúng tôi luôn hoàn thành các nghĩa vụ nộp thuế đầy đủ với nhà nước từ thời điểm mua đất đến nay.

Nhiều hạng mục công trình nhà ở và hàng quán của các hộ dân đã bị phá dỡ.

Nay UBND Thành phố yêu cầu chúng tôi hiến đất để thực hiện dự án là điều vô lý, bởi đất thu hồi là đất mặt phố, có giá trị được chúng tôi mua và sử dụng lâu dài, diện tích đất của chúng tôi làm hàng quán, buôn bán là nguồn thu cho gia đình, giờ thu hồi mà ko bồi thường, lại yêu cầu chúng tôi hiến thì hết sức thiệt thòi cho chúng tôi”, ông Tính phân trần.

“Từ những thực tế nêu trên, các hộ dân chúng tôi  không đồng ý với việc đã làm và những phương án mới đã nêu trên của UBND Thành phố Hạ Long. Qua nội dung đơn thư này, kính mong muốn các cấp chính quyền hãy làm đúng trình tự và đúng với quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho chúng tôi”, đại diện các hộ dân mong muốn.

Một góc ngổn ngang của dự án.

Liên quan đến những kiến nghị của các hộ dân nêu trên, phóng viên đã có buổi đặt lịch làm việc với lãnh đạo Trung tâm phát triển quỹ đất TP Hạ Long, sau khi yêu cầu các thủ tục làm việc thì người đứng đầu Trung tâm phát triển Quỹ đất TP Hạ Long cho hay, hiện khu vực dự án mở rộng đường nối tỉnh lộ 279 vào Hoành Bồ, chưa lên phương án bồi thường.

Nói về việc một số ngôi nhà đã bị đập phá khi chưa đền bù cho người dân, lãnh đạo Trung tâm phát triển quỹ đất TP Hạ Long cho biết, đó là những trường hợp đã đồng tình hiến đất để dự án sớm triển khai”.

Tuy nhiên, khi làm việc với phóng viên, đại diện các hộ dân tại khu vực tổ 12, khu 4, khẳng định không có hộ gia đình nào hiến đất, hầu hết các hộ dân đang kiến nghị lên các cơ quan chức năng để sớm giải quyết đảm bảo quyền lợi cho mình.

theo CafeLand

  • Facebook
  • Chia sẻ

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: info@alomuabannhadat.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Đọc thêm

Có nên mua bán, chuyển nhượng bất động sản trả chậm, trả dần
Những quy định về đấu giá bất động sản mới nhất
Điều kiện thành lập đơn vị kinh doanh dịch vụ bất động sản
Các thuật ngữ liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bất động sản
Kinh nghiệm pháp lý liên quan đến hợp đồng thuê văn phòng
Pháp lý về quyền sở hữu và thực thi chuyển giao quyền sở hữu
Hợp đồng chuyển nhượng đất đai và quyền sử dụng đất đai
Thông tin quan trọng cần lưu ý về hợp đồng mua bán nhà đất
Những điều cần biết về hợp đồng thuê đất 2022
Lưu ý về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất