Xử lý xây dựng trái phép, “trên nóng dưới lạnh”

Mặc dù đã có nhiều hội nghị nhằm lập lại trật tự xây dựng trên địa bàn TP.HCM, nhưng tại một số quận, huyện vùng ven, công trình sai phép vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Hoạt động xây dựng trái phép dưới chân cầu Nam Lý

Trên quyết liệt…

Trong thời gian qua, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng diễn ra phổ biến và phức tạp trên địa bàn TP.HCM, nhất là tại các quận, huyện vùng ven như quận 12, quận Thủ Đức, huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh…

Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM, vi phạm trật tự xây dựng phần lớn là lỗi xây dựng không phép, chiếm 51,2% trên tổng số công trình vi phạm trên địa bàn Thành phố. Trong đó, đủ điều kiện cấp phép chiếm tỷ lệ 26,5% trên tổng số công trình xây dựng không phép; không đủ điều kiện cấp phép chiếm tỷ lệ 73,5% trên tổng số công trình xây dựng không phép...

Thống kê của UBND quận Thủ Đức cho thấy, số trường hợp vi phạm về xây dựng không phép từ năm 2016 đến 6 tháng đầu năm 2019 lần lượt là 167 - 80 - 62 - 132, xây dựng sai phép lần lượt là 147 - 75 - 88 - 64 trường hợp.

Những công trình vi phạm thường tập trung ở các phường như: Linh Xuân, Linh Trung, Linh Đông, Tam Phú, Bình Chiểu, Trường Thọ, Hiệp Bình Phước, Hiệp Bình Chánh… Bởi tại đây có vị trí ở khu vực giáp ranh hoặc có nhiều khu công nghiệp, gần các trục đường chính, quỹ đất còn nhiều, nhiều dự án chưa được triển khai thực hiện, nên hành vi vi phạm về xây dựng không phép diễn ra rất phức tạp.

Tràn lan công trình trái phép

Tương tự, tại quận 9, sở hữu diện tích hơn 11.000 ha và đang diễn ra quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, thì tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép trên địa bàn cũng diễn biến hết sức phức tạp.

Cụ thể, trong năm 2016, có 103 trường hợp xây dựng không phép, trong đó đủ điều kiện cấp phép xây dựng có 23/103 trường hợp, không đủ điều kiện cấp phép 80/103 trường hợp. Năm 2017, số vụ không phép tăng lên con số 125, trong đó đủ điều kiện cấp phép xây dựng đó 7/125 trường hợp, không đủ điều kiện cấp phép 118/125 trường hợp.

Để khắc phục tình trạng này, chính quyền TP.HCM đã tỏ ra rất cương quyết trong việc đưa ra phương án khắc phục và biện pháp xử lý xây dựng trái phép, không phép.

Đơn cử, tại Chỉ thị số 23 mới đây về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố đưa ra hàng loạt giải pháp để chấn chỉnh như tổ chức lại lực lượng thanh tra, giao cấp quận, huyện xử lý công trình không phép, sai phép còn Thanh tra Sở Xây dựng xử lý các công trình lớn, đặc thù, phức tạp.

Giao các quận - huyện, các phường - xã - thị trấn rà soát, lập danh sách tổ chức, cá nhân chuyên nghiệp đã xây dựng các công trình không phép, trái phép tại địa phương để nhắc nhở, cảnh báo và yêu cầu viết cam kết không vi phạm.

Phường - xã - thị trấn nào để xảy ra xây dựng không phép và trái phép mà không bị xử lý thì tổ chức đảng nơi đó không được công nhận là trong sạch, vững mạnh; người đứng đầu cấp ủy và chính quyền không được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Thành ủy cũng giao UBND Thành phố chỉ đạo và hỗ trợ quận, huyện, trong năm 2019, tất cả các quận, huyện triển khai hệ thống trực tuyến ghi nhận ý kiến phản ánh của người dân, trong đó có vi phạm trật tự xây dựng, qua tin nhắn (mô hình Bình Thạnh trực tuyến, Hóc Môn trực tuyến), đảm bảo tất cả các sai phạm về trật tự xây dựng đã được người dân phản ánh đều được xử lý đúng pháp luật.

...Dưới thờ ơ

Hệ lụy của việc xây dựng không phép, sai phép rất lớn, dễ dàng nhìn thấy nhất là hình thành các khu dân cư, khu nhà xưởng tự phát, phá vỡ quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường… Và một trong những nguyên nhân khiến xây dựng sai phép, không phép vẫn còn đất sống là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp nhiều nơi chưa quyết liệt, còn buông lỏng, xảy ra tiêu cực.

Bà Đỗ Thị Lâm Tuyền, Phó chủ tịch UBND huyện Hóc Môn chia sẻ, tình trạng vi phạm trật tự ngày càng biến tướng, như giấy phép xây dựng xin làm nhà ở riêng lẻ, nhưng khi xây dựng thì biến thành nhà xưởng hoặc trổ cửa thành “nhà 3 chung”.

“Công tác cưỡng chế công trình xây dựng sai phép gặp khó khăn”, bà Tuyền phân trần và giải thích thêm, UBND các xã cho rằng, việc tháo dỡ hạng mục sai phép không khó. Thế nhưng, việc buộc các chủ đầu tư xây dựng đúng như giấy phép xây dựng hay bít các cửa tự trổ thêm thì rất khó.

Hay như vụ việc tại khu vực dưới chân cầu Nam Lý ở phường Phước Long B, quận 9 (TP.HCM), chủ đất cho đơn vị thi công công trình giao thông mượn mặt bằng để thi công nhưng sau đó lại để người dân ở gần đó lấn chiếm, xây dựng trái phép.

Cụ thể, theo phản ánh của một số hộ dân tại tổ 3, khu phố 6, phường Phước Long B, quận 9, tiền thân khu đất dưới chân cầu Nam Lý là thuộc quản lý của một số hộ dân đang sinh sống tại khu vực và được dùng để trồng rau màu từ những năm 2000.

Đến năm 2016, Nhà nước có chủ trương xây dựng cầu Nam Lý, lúc này, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận 9 đã vận động các chủ đất ở đây cho mượn diện tích mặt bằng khoảng gần 4.000 m2 đất để làm mặt bằng thi công công trình cầu Nam Lý.

Tuy nhiên, điều đáng nói là sau khi các đơn vị thi công cầu Nam Lý mượn được đất, lại tạo điều kiện để cho một số công nhân, người lao động thi công tại công trình, thậm chí là một số người dân lạ dựng nhà trái phép và sinh sống tại chính khu đất này.

Khi phát hiện tình trạng này, các chủ đất đã kiến nghị với đơn vị thi công là Liên danh Thành An 117 - Tổng công ty Thăng Long - Bạch Đằng - Phương Đông cũng như đơn vị tư vấn giám sát là Công ty cổ phần Tư vấn giám sát chất lượng công trình Thăng Long yêu cầu chấm dứt tình trạng vi phạm, nhưng các đơn vị này đều để mặc cho công nhân xây nhà trái phép tràn lan.

Thậm chí, các chủ đất đã phản ánh vấn đề này với chính quyền là UBND phường Phước Long B, quận 9, nhưng không hiểu vì lý do gì mà đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời.

“Ban tiếp công dân của UBND Thành phố cho rằng, những nội dung phản ánh của chúng tôi thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND quận 9. Ban tiếp công dân cũng đã chuyển đơn và đề nghị chính quyền quận 9 kiểm tra, xem xét, giải quyết và trả lời cho công dân… Nhưng không hiểu vì lý do gì mà đến nay chính quyền địa phương vẫn bặt vô âm tín”, ông Đặng Quang Vinh, một chủ đất bị lấn chiếm bức xúc.

Để làm rõ vấn đề này, phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản cũng đã đến liên hệ với UBND phường Phước Long B, nhưng ông Nguyễn Thành Hưng, một cán bộ văn phòng của phường này cho biết, Chủ tịch đang nghỉ phép, yêu cầu phóng viên để lại nội dung làm việc và sẽ hẹn gặp sau. Nhưng đến nay, qua nhiều ngày, kết quả mà chúng tôi nhận được vẫn chỉ là sự im lặng.

theo CafeLand

  • Facebook
  • Chia sẻ

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: info@alomuabannhadat.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Đọc thêm

Có nên mua bán, chuyển nhượng bất động sản trả chậm, trả dần
Những quy định về đấu giá bất động sản mới nhất
Điều kiện thành lập đơn vị kinh doanh dịch vụ bất động sản
Các thuật ngữ liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bất động sản
Kinh nghiệm pháp lý liên quan đến hợp đồng thuê văn phòng
Pháp lý về quyền sở hữu và thực thi chuyển giao quyền sở hữu
Hợp đồng chuyển nhượng đất đai và quyền sử dụng đất đai
Thông tin quan trọng cần lưu ý về hợp đồng mua bán nhà đất
Những điều cần biết về hợp đồng thuê đất 2022
Lưu ý về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất